Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang ổn định việc làm cho người lao động trong mùa dịch. Ảnh: Thành Công
Với đặc thù của một đơn vị sử dụng nhiều lao động, làm việc liên tục trên dây chuyền sản xuất khép kín, công tác đảm bảo an toàn, phòng dịch được Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cho biết, công ty đã thành lập 10 Tổ An toàn Covid-19 và xây dựng các phương án phòng chống dịch để không bị động trước các tình huống bất ngờ xảy ra. Tất cả những người ra vào công ty đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn, khai báo y tế điện tử và thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Người lao động trong công ty được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ. Nhờ đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty được đẩy mạnh. 9 tháng năm 2021, công ty sản xuất gần 250 nghìn tấn thép các loại, doanh thu gần 3.400 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch năm. Công ty đảm bảo việc làm cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021, Nhà máy Hợp kim sắt Mimeco Tuyên Quang đặt mục tiêu sản xuất 4.500 tấn hợp kim sắt, doanh thu đạt 120 nghìn tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động xuất, nhập nguyên liệu thô cũng như xuất sản phẩm sơ chế gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động và không làm “đứt gãy” chuỗi sản xuất. Ông Trần Quốc Đệ, Giám đốc nhà máy cho biết, để hoàn thành mục tiêu sản lượng, doanh thu đề ra từ đầu năm, song song với công tác phòng chống dịch bệnh, công ty tổ chức các đợt thi đua sản xuất theo từng tháng, quý với khối lượng, nhiệm vụ công việc cụ thể. Bên cạnh đó, công ty còn tích cực đổi mới, cải tiến máy móc và trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm, công ty đã sản xuất và bán gần 3.400 tấn hợp kim sắt, doanh thu đạt 87 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch sản xuất năm.
Tại các công ty có số lượng lao động lớn như Công ty TNHH MTV SESHIN VN2, Công ty TNHH MSA-YB, Công ty cổ phần Giấy An Hòa và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn khu công nghiệp Long Bình An, mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi các bạn hàng truyền thống ở nước ngoài tạm hoãn ký hợp đồng do dịch Covid-19, nhưng bằng sự nhạy bén và năng động, các doanh nghiệp đa dạng hóa các sản phẩm, chủ động tìm kiếm đối tác trong nước và các nước kiểm soát tốt dịch bệnh để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Công nhân Công ty TNHH MSA-YB hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV SESHIN VN2 cho biết, đóng trên địa bàn “vùng xanh”, công ty có nhiều điều kiện để tập trung sản xuất, kinh doanh. Ngoài các bạn hàng truyền thống, công ty đang nhận gia công cho các công ty nằm trong vùng tâm dịch bị giãn cách. Hiện tại, công ty kết nối hỗ trợ 2 công ty may xuất khẩu tại Bình Dương sản xuất hàng may mặc. Từ tháng 4 đến nay, trung bình công ty sản xuất trên 1 triệu sản phẩm/tháng, con số kỷ lục chưa từng có; doanh thu đạt 46 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ đó, công ty không phải cắt giảm lao động, ổn định việc làm cho trên 2.100 công nhân, lao động, thu nhập bình quân đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Âu Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH MSA-YB chia sẻ, chị rất vui vì trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch như thời gian vừa qua, nhưng chị và công nhân công ty vẫn có việc làm đều đặn, thu nhập ổn định. Vì vậy, hơn ai hết, chị ý thức được nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mình, từ đó thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh và nỗ lực thi đua sản xuất.
Ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, hiện trong khu công nghiệp Long Bình An có 12 doanh nghiệp, dự án với gần 7.000 người lao động. Do đó, hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp Long Bình An có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp như nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra… bị gián đoạn. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và sự quan tâm, động viên kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Long Bình An vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng khá, góp phần quan trọng trong tăng thu ngân sách nhà nước của tỉnh và tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết