Giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập. Ảnh: Nguyễn Quang
Toán hoặc ngữ văn là môn bắt buộc trong tổ hợp
Thông tin mới đáng chú ý tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố nêu rõ điều kiện xây dựng tổ hợp xét tuyển từ năm 2025. Theo đó, các trường xây dựng tổ hợp môn dùng để xét tuyển phải bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn quy định, một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trong số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Theo định hướng này, một số trường đại học đã thông tin dự kiến về tổ hợp xét tuyển cho kỳ tuyển sinh đại học năm 2025. Tại Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân đã công bố định hướng tuyển sinh năm tới với 4 tổ hợp (giảm 5 tổ hợp so với năm 2024), gồm: Toán, vật lý, hóa học; toán, vật lý, tiếng Anh; toán, ngữ văn, tiếng Anh; toán, hóa học, tiếng Anh. Lý giải về việc đơn giản các tổ hợp, Tiến sĩ Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Đại học Kinh tế quốc dân) thông tin, khoảng 95% số sinh viên trúng tuyển vào trường của các năm gần đây thuộc 4 tổ hợp này. Cả 4 tổ hợp đều có môn toán, phù hợp yêu cầu “đầu vào” và ngành nghề đào tạo của trường.
Trường Đại học Kinh tế - Luật là trường thành viên đầu tiên thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông báo định hướng tuyển sinh năm 2025 với 4 tổ hợp môn xét tuyển, gồm: Toán, tiếng Anh, ngữ văn; toán, tiếng Anh, vật lý; toán, tiếng Anh, tin học; toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhà trường đã đưa vào tổ hợp xét tuyển hai môn học mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học sinh lớp 12 đang được học gồm tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật.
Sớm công bố tổ hợp xét tuyển
Năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Theo ghi nhận, các trường đại học đang tính toán phương án xây dựng tổ hợp xét tuyển từ năm 2025 phù hợp với chương trình mới, nhưng đều thống nhất quan điểm là không có sự thay đổi quá lớn làm xáo trộn kế hoạch học tập cũng như định hướng nghề nghiệp của thí sinh. Một số trường dự kiến xây dựng tổ hợp xét tuyển gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 1-2 môn điều kiện cần phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo.
Theo kinh nghiệm của nhiều hiệu trưởng trường phổ thông, dù ngoại ngữ không phải là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, nhưng xu thế đào tạo của nhiều ngành, trường, ngoại ngữ là môn học không thể thiếu. Vì vậy, thí sinh cần lưu tâm, đừng bỏ quên ngoại ngữ để thêm cơ hội tham gia xét tuyển đại học.
Em Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) nêu ý kiến: "Quy định về việc tổ hợp xét tuyển đại học phải có môn toán hoặc ngữ văn phần nào giúp học sinh bớt lo lắng vì đây là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp. Thời gian từ nay đến kỳ thi không dài, mong các trường đại học sớm công bố tổ hợp xét tuyển để học sinh yên tâm học tập".
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương thông tin, căn cứ phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và cách tính 3 môn thành một tổ hợp xét tuyển đại học, mỗi tổ hợp có ít nhất 1 môn ngữ văn hoặc toán, thì sẽ có 81 tổ hợp khác nhau. Cùng với chủ trương của các trường đại học trong việc xây dựng tổ hợp môn xét tuyển thuận lợi, không gây xáo trộn nhiều, thí sinh không nên quá lo lắng. Các em tiếp tục học tập đầy đủ, nghiêm túc các môn học theo chương trình, từ đó làm tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Thực tế công tác tuyển sinh đại học những năm gần đây cho thấy, kết quả thi tốt nghiệp là phương thức có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các trường đại học tăng chỉ tiêu của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Ngoài ra, thí sinh còn thêm cơ hội xét tuyển đại học bằng các phương thức khác như sử dụng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi đánh giá năng lực/tư duy...
Gửi phản hồi
In bài viết