Kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới. Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh rất quan trọng với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh.
Dành chỉ tiêu hợp lý cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp
Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến ngày 22-11-2024, hết hạn vào ngày 22-1-2025. Dù thời gian công bố chưa dài, nhưng dự thảo đang nhận được sự quan tâm với nhiều ý kiến tranh luận, đáng chú ý là quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Các trường đại học cần dành tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là mong muốn của nhiều thí sinh. Ảnh: CTV
Việc khống chế tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm đã vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi, cho rằng quy định này có thể khiến các trường gặp khó, còn thí sinh cũng bị giảm cơ hội trúng tuyển đại học. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên can thiệp quá sâu và khống chế tỷ lệ chỉ tiêu của các phương thức, vì tuyển sinh được sinh viên giỏi, có chất lượng “đầu vào” tốt là trách nhiệm của người đứng đầu các trường. Bộ chỉ nên hạn chế hoặc loại bỏ các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng “đầu vào”, bằng mọi giá để “vơ vét” người học.
Nhằm bảo đảm công bằng trong tuyển sinh, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất quy định các trường có tỷ lệ hợp lý cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc này giúp thí sinh ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc học ngoại ngữ, ít cơ hội tiếp cận với các kỳ thi riêng của các trường đại học được bình đẳng trong việc tham gia xét tuyển đại học.
Chủ trương đề nghị các trường cần dành tỷ lệ hợp lý cho phương thức xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng từng được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin. Tuy nhiên, ghi nhận sơ bộ, trong phương án tuyển sinh của một số trường, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp đang có xu hướng giảm khiến thí sinh rất lo lắng.
Nhận diện bất cập
Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là giảm số môn thi (chỉ còn 4 môn gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn). Các chuyên gia, nhà giáo nhận định, phương thức tuyển sinh đại học bằng điểm thi tốt nghiệp sẽ hạn chế các khối xét tuyển truyền thống do thí sinh chỉ được dự thi 2 môn lựa chọn. Việc xây dựng đề thi có có tính phân loại chưa cao cũng là một khó khăn lớn đối với công tác tuyển sinh năm 2025.
Bộ GD-ĐT cần kiên quyết loại bỏ các tổ hợp xét tuyển lạ trong tuyển sinh đại học. Ảnh: CTV
Bên cạnh đó, việc xuất hiện hàng loạt trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng (kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) với những quy định riêng của các trường về nội dung, hình thức, tiêu chí lựa chọn cũng là một thách thức không nhỏ đối với thí sinh dự tuyển đại học năm 2025. Thực tế còn cho thấy, một số phương thức tuyển sinh chưa bảo đảm chất lượng “đầu vào” cho ngành học khiến nhiều sinh viên không đáp ứng yêu cầu phải thôi học, bỏ học sau một thời gian gây lãng phí thời gian, tốn kém kinh phí của người học. Thậm chí, từng có một số trường đưa ra vô số phương thức tuyển sinh lạ, phi truyền thống, không hẳn nhằm mục đích hướng nghiệp mà có lẽ chỉ nhằm mục dích tuyển sinh, cũng khiến thí sinh gặp khó khăn trong việc học tập, đồng thời gây ra sự mất công bằng trong cơ hội trúng tuyển đại học giữa các thí sinh.
Để bảo đảm công bằng cho thí sinh và giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định về đánh giá chất lượng của các trường đại học theo kết quả học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo và chuẩn “đầu ra” theo các phương thức tuyển sinh để kiểm soát chất lượng. Bộ cần kiên quyết loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng “đầu vào” với ngành được đào tạo, yêu cầu các trường giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển; đồng thời, có quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp lạ trong tuyển sinh.
Liên quan đến việc khống chế tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm khiến thí sinh lo lắng bị giảm cơ hội trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy giải đáp: Dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.
Gửi phản hồi
In bài viết