PGS.TS Tạ Hải Tùng cho rằng ChatGPT sẽ khó có thể thay thế con người, bởi ứng dụng này chỉ có thể tổng hợp thông tin, nhưng lại không có tư duy phản biện.
Phát biểu tại toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” diễn ra chiều nay (13/2), PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định rằng ChatGPT là một mô hình xác suất, đưa ra dự đoán “và chưa thấy bóng dáng nhiều lắm của việc suy luận”. Nên chatbot này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dữ liệu đầu vào.
Ông Tùng nói: “Tôi nghĩ rằng ChatGPT chỉ là mô hình demo của công nghệ GPT của Open AI. Tới đây mô hình này sẽ chỉ là một chương trình (platform) để người dùng có thể huấn luyện dựa trên dữ liệu của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có một dự án huấn luyện Chat GPT dựa trên tất cả sách giáo khoa của Việt Nam?
Câu trả lời của ChatGPT chưa chắc đã đúng vì dựa vào nguồn thông tin chưa được kiểm chứng. Nhưng nếu được huấn luyện bằng một nguồn thông tin đã được kiểm chứng thì mô hình này sẽ trở thành một gia sư hữu ích”.
Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông cho rằng địa phương hóa mô hình, làm cho mô hình trở nên tốt hơn mới là tương lai của trí tuệ nhân tạo. ChatGPT chỉ là một bản demo để chứng minh rằng: Nếu công nghệ GPT (viết tắt của Generative Pre-training Transformer: một loại mô hình ngôn ngữ học sâu) được ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau trong một thời gian đủ lâu thì sẽ trở thành một trợ lý tốt và có tính ứng dụng cao trong công việc hằng ngày.
Do vậy, ông cho rằng, việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là một quan điểm bảo thủ.
“Nhiều em sinh viên có kỹ năng viết bài luận rất kém do đã quen với ngôn ngữ ngắn ngọn khi chat trên mạng xã hội. Các em khó đạt điểm 5 bài luận vì không biết cách diễn đạt dù có kiến thức. Tuy nhiên, nếu có thể sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT các em có thể cải thiện chất lượng bài viết. Như vậy công nghệ sẽ giúp sinh viên tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục và không đe dọa bất cứ ai. Chúng ta cần thích ứng để từ đó nâng chuẩn giáo dục” - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông bày tỏ quan điểm.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm.
Cũng trong phiên thảo luận này, TS. Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập Trung tâm Đào tạo lập trình, công nghệ thông tin trực tuyến (FUNiX) khẳng định, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tự học. Có ChatGPT, sinh viên mạnh dạn đặt câu hỏi hơn.
Nhìn nhận ChatGPT như một cơ hội cho giáo dục, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo viên có thể giải phóng những công việc lặp đi lặp lại, tạo ra những cơ hội mà thầy cô và học sinh chưa kịp đề cập trong thời gian lên lớp.
Chia sẻ cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, dữ liệu, thông tin, kiến thức, tri thức thì càng chia sẻ nhiều càng giá trị. Với công nghệ, một số việc của con người đã được làm thay: “Đây là một cơ hội rất lớn mà chúng ta cần phải có những chính sách kịp thời. Trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận, cách đón nhận những công nghệ này. Chúng ta không quá hào hứng, nhưng chúng ta không quá lo ngại. Cách tốt nhất để hiểu, chính là dùng”.
Thứ trưởng mong muốn các học sinh, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục sử dụng, cảm nhận, trải nghiệm công nghệ để hiểu hơn và cùng thảo luận, tiếp tục làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết