Điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc ổn định, không cố định

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành tối 24-10, đã có nhiều ý kiến xung quanh động thái này. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ở mức cao, đồng USD tăng giá, bước đi này của cơ quan điều hành được giới chuyên gia đánh giá là phù hợp.

Ưu tiên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp

Khác với lần thay đổi lãi suất điều hành trước, lần này, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên lên 5,5%/năm. Việc điều chỉnh thận trọng trần lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, ngành Ngân hàng đang cố gắng tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận vốn vay với chi phí thấp trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng.

Không phủ nhận "nước lên thì thuyền lên", lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay không thể đứng im, song, Tiến sĩ Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, các ngân hàng cũng sẽ cố gắng để mặt bằng lãi suất cho vay không quá cao, hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là cách các ngân hàng bảo vệ cho sự an toàn của chính mình. Thực tế, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người vay.

“Tôi tin rằng, hệ thống sẽ có cách để mặt bằng lãi vay không bị tăng quá nhiều thời gian tới. Chúng ta đang nỗ lực chống lạm phát, nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân”, Tiến sĩ Trương Văn Phước nhận định.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và điều kiện trong nước. Qua đó, cho thấy phản ứng chính sách chủ động, nhạy bén của Ngân hàng Nhà nước trước diễn biến thị trường.

“Đồng USD mạnh lên, gây áp lực mất giá cho các đồng tiền còn lại, trong đó có cả VND. Nếu Việt Nam không nâng lãi suất, áp lực mất giá lớn hơn. Về nguyên tắc lãi suất đồng VND phải hấp dẫn hơn nhiều so với đồng USD, nên việc nâng lãi suất điều hành trước áp lực gia tăng để bảo vệ đồng nội tệ, hay nói cách khác nhằm bảo đảm việc mất giá của đồng VND so với USD trong tương quan giữa các nước ở mức chấp nhận được”, Tiến sĩ Võ Trí Thành lý giải thêm.

Chung quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính - Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước áp lực tỷ giá ngày càng căng thẳng, đặc biệt là những tháng cuối năm nhu cầu nhập hàng hóa bán trong dịp Tết cao dẫn đến cầu USD tăng, động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm lãi suất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng gia tăng, số liệu cập nhật mới nhất, đến thời điểm này, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,35%, trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021. Như vậy, việc điều chỉnh tăng lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND sẽ giúp duy trì lãi suất thực dương khuyến khích người dân tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động vốn, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, nâng cao an toàn hệ thống.

Áp lực vẫn rất lớn

Diễn biến thị trường hiện nay, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, việc thực hiện các mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đối với Ngân hàng Nhà nước ngày càng thách thức. Khi mà dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp như vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn từ chính sách tài khóa, như thúc đẩy đầu tư công, thực hiện tốt hơn chương trình phục hồi kinh tế...

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm sức ép lên hệ thống ngân hàng, việc đầu tiên là cần đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng của Chính phủ để tạo sức lan tỏa, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Vấn đề nữa phải xử lý là thị trường vốn Việt Nam, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… thời gian qua nảy sinh một số vấn đề cần chấn chỉnh để tạo ra một thị trường vốn thông suốt, công khai minh bạch. Từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp, giảm sức ép cấp vốn lên vai ngân hàng.

Về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, áp lực vẫn rất lớn, nhất là từ bên ngoài, cụ thể ở đây việc Fed có tiếp tục tăng lãi suất nữa hay không thì ngoài tầm kiểm soát của nhà quản lý. Để hóa giải bớt áp lực trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục điều hành chính sách khéo léo, linh hoạt gắn với minh bạch thông tin, củng cố lòng tin vào chính sách. Đặc biệt đối với thị trường tài chính, niềm tin có ý nghĩa rất quan trọng.

“Điều hành chính sách tiền tệ là nghệ thuật, vừa kết hợp nhiều công cụ điều hành và vừa tôn trọng quy luật thị trường để đạt mục tiêu xuyên suốt ổn định kinh tế vĩ mô. Nguyên tắc linh hoạt, ổn định chứ không cố định là nghệ thuật để đạt mục tiêu”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Giai đoạn tới, bên cạnh tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nên kiểm soát chặt nợ xấu để hạn chế rủi ro đối với hoạt động hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, cần có giải pháp xem xét thiết kế gói vay ưu đãi đối ngành có khả năng tăng trưởng mạnh, mang lại ngoại tệ trong tương lai như xuất khẩu, du lịch... Đơn cử như doanh nghiệp xuất khẩu, nếu được vay với lãi suất thấp, tận dụng giá USD tăng cao, đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó giúp tăng cung ngoại tệ, giảm căng thẳng tỷ giá, sức ép tăng lãi suất cũng giảm theo.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục