Đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ Trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội phát biểu tại buổi làm việc
Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Trong đó, tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là trên 230,77 tỷ đồng, cụ thể: Vốn ngân sách Trung ương là trên 224 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển trên 166 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 57,9 tỷ đồng). Vốn đối ứng của ngân sách địa phương là 6,72 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển gần 5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 1,73 tỷ đồng). Hiện nguồn vốn này vẫn chưa thực hiện giải ngân.
UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian sử dụng nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đối với một số tiểu dự án, dự án khó có khả năng giải ngân hết được trong năm để việc triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Đồng thời đề nghị Trung ương sớm bổ sung kinh phí thực hiện tiểu Dự án 2 (Cải thiện dinh dưỡng) thuộc Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) và Dự án 5 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Để hoàn thành mục tiêu của Chương trình, tỉnh Tuyên Quang mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện các mô hình, dự án sản xuất có tính liên kết vùng, tạo được nhiều việc làm thu nhập cho hộ nghèo; đồng thời cần có nhiều nguồn lực để đầu tư về quy mô, chất lượng và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện; hỗ trợ tập huấn về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo từ cấp huyện đến cấp tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá cao những kết quả Tuyên Quang đạt được trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí đề nghị, giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, liên tục để có nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo. Tỉnh cũng cần xác định cây trồng, vật nuôi lợi thế để phát triển thành vùng hàng hóa; đầu tư chương trình có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún để hiệu quả đầu tư rõ ràng, giúp việc kết nối các vùng trong huyện, trong tỉnh, đặc biệt là 2 huyện nghèo Na Hang, Lâm Bình. Đối với dự án đa dạng hóa sinh kế phải đúng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và kêu gọi doanh nghiệp, HTX cùng làm để hướng dẫn người dân và tiêu thụ sản phẩm để phát triển lâu dài, thoát nghèo bền vững…
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương cảm ơn những ý kiến góp ý của Đoàn công tác. Đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ rà soát để đánh giá lại đầu tư hạ tầng tại các vùng khó khăn, điều chỉnh đúng mục tiêu của Chương trình giảm nghèo. Đối với sản xuất, tỉnh sẽ tập trung vào phát triển gỗ rừng trồng, triển khai trồng cây thảo dược dưới tán rừng. Đối với giáo dục, việc làm, tỉnh đang hỗ trợ dạy nghề, xuất khẩu lao động... Đồng thời mong muốn thời gian tới, ngoài công tác điều phối, tỉnh Tuyên Quang nhận được nhiều hơn sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ từ các đồng chí lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cũng như Văn phòng điều phối chương trình của Trung ương.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế tại huyện Na Hang, Lâm Bình.
Gửi phản hồi
In bài viết