Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8

- Chiều 9-12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Agribank chi nhánh Tuyên Quang đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

 

 

 

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh đến điểm cầu các huyện trong tỉnh. Tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại điểm cầu Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cử tri các xã, phường trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đã báo cáo  với cử tri những nội dung quan trọng Kỳ họp thứ 8 Quốc hội. Sau gần 30 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, Quốc hội đã đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu dự hội nghị.

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024; thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành rất cao. Quốc hội cũng đã thảo luận xem xét, thông qua 21 nghị quyết.

Đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.​

Tại hội nghị, cử tri các huyện đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với ĐBQH trên nhiều lĩnh vực: Đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo sinh sống ở xã và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Định mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ được đất ở và 50 triệu đồng/1 hộ làm nhà còn thấp; đề xuất một số nội dung đến cơ chế, chính sách hỗ trợ  sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm dược liệu tại địa phương; khẩn trương hoàn thiện các thông tư, nghị định, các văn bản hướng dẫn thi hành việc giải thể, sáp nhập các cơ quan, đơn vị để đảm bảo không để gián đoạn công việc; tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa Tuyên Quang, Hà Giang; chỉ đạo các tập đoàn viễn thông đẩy nhanh tiến độ phủ sóng điện thoại di động tại các vùng “lõm” đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Cử tri đề nghị Trung ương tiếp tục có những chính sách đủ hấp dẫn để thu hút đội ngũ y, bác sỹ có năng lực đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; xem xét hợp nhất 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia thành Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nông thôn mới; đề nghị tháo gỡ những bất cập của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; bổ sung Luật Thủy sản để bổ sung quy định cụ thể về nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên sông, hồ thủy lợi, thủy điện; đề xuất tới Chính phủ nâng mức phụ cấp và thực hiện áp dụng chung đối với nhân viên y tế trên địa bàn thôn và tổ dân phố. Cử tri mong muốn chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện công bằng, thuận tiện hơn; không áp dụng thực hiện tinh giản viên chức đối với ngành giáo dục nhằm bảo đảm cho triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Na Hang.

Cử tri đề nghị cơ quan chức năng sớm công bố kết quả quan trắc, đánh giá tác động ô nhiễm môi trường về nguồn nước suối, nước giếng và đất sản xuất tại địa bàn xã Bình Phú; có quy định cụ thể để thâm định đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; cần quan tâm, thúc đẩy khu vực Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào hướng tới trở thành Khu du lịch Quốc gia trong giai đoạn 2025-2030...

Lãnh đạo các sở đã làm rõ một số ý kiến  thuộc lĩnh vực phụ trách và thông tin tiến độ thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn mà cử tri quan tâm.

Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Thị Nga đánh giá cao những ý kiến của cử tri. Những ý kiến đã thể hiện nguyện vọng, sự tin tưởng của cử tri với Đoàn ĐBQH. Đoàn ĐBQH tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của cử tri sẽ tổng hợp kiến nghị các cơ quan cấp tỉnh, gửi đến các Ủy ban của Quốc hội và Chính phủ xem xét giải quyết.

Đồng chí cũng đã trả lời làm rõ thêm một nội dung của cử tri mà cử tri quan tâm về những điểm nghẽn trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, về các Chương trình mục tiêu quốc gia.... Những nội dung nào thuộc về điều hành của chính quyền địa phương, lãnh đạo các sở, ban, ngành tiếp thu và thực hiện tháo gỡ ngay.

Đồng chí cũng thông tin thêm với cử tri một số nội dung quan trọng được thảo luận xem xét tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Thời gian qua Trung ương cũng đã thảo luận kỹ, xem xét sửa đổi các luật quy định, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có những cơ chế, chính sách thể hiện sự quan tâm liên quan trực tiếp đến đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh có các Chương trình mục mục tiêu Quốc gia, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà đột nát. Đặc biệt là thời gian qua tỉnh đã nhận được hỗ trợ chia sẻ của cả nước nhằm giúp tỉnh khắc phục những thiệt hại do bão lũ. Điều đó cũng cần phải có những nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng những yêu cầu, mong muốn gửi gắm của Trung ương.

Các đại biểu Quốc hội trao đổi với cử tri.

Đồng chí cũng đã trao đổi với cử tri một số nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương. Đây là yêu cầu tất yếu, cần sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để công tác này triển khai hiệu quả, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Năm 2024, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều đó có sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong thời gian tới còn có nhiều thách thức, nhiều vướng mắc nhiều rào cản mà cử tri cũng đã nêu, nhất là những vẫn đề liên quan đến thủ tục hành chính làm mất thời cơ của doanh nghiệp. Đồng chí mong muốn năm 2025, các cấp, các ngành đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn; HĐND tăng cường hoạt động giám sát các việc thực hiện các cơ chế chính sách để tiếp tục bổ sung, sửa đổi nhưng quy định chưa sát thực tiễn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025. 

Tin, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục