Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Sáng 15-8, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự phiên chất vấn có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

 Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.

Trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy nêu rõ, Báo cáo số 255 ngày 10/8/2023 của Bộ Tư pháp gửi các ĐBQH tại phiên chất vấn có nhiều nội dung nêu một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kĩ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản.

Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu trường hợp đấu giá viên vi phạm pháp luật phải xử lý, nguyên nhân của tình trạng trên là gì và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Đồng thời cho biết thêm định hướng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác đã thực hiện tổng số là 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Qua thanh tra cũng đã có một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố. Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, thời gian tới, trong pháp luật về đấu giá quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng thông đồng, dìm giá. Bộ cũng sẽ tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Về định hướng sửa Luật Đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết tuân theo nguyên tắc đấu giá là pháp luật về hình thức, liệt kê đầy đủ hơn các tài sản công cần phải bán đấu giá, cập nhật những thuật ngữ, siết chặt một số các quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát ngân sách nhà nước; có các biện pháp về tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù và phát triển đến đấu giá trực tuyến.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục