Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận vào Dự thảo Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi)

- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 9/11 Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi).

Đại biểu Lò Thị Việt Hà phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận, đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Việc làm, cơ sở chính trị, cở sở pháp lý, cở sở thực tiễn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số chính sách còn bất cập như: Hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn, chính sách việc làm công.

Về hệ thống thông tin thị trường lao động, đại biểu cho rằng còn chưa thông suốt, chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến sự đứt gãy thông tin thị trường lao động hoặc thông tin về các lĩnh vực, ngành, nghề mà người lao động mong muốn làm việc, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp, thông tin tuyển dụng...thông tin thị trường lao động cần công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề và cấp trình độ.

Về đăng ký lao động, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đăng ký lao động vì hiện nay đăng ký trên mạng qua điện thoại rất thuận tiện. Đối với trung tâm dịch vụ việc làm cần có sự liên thông về thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước, thông tin về như cầu việc làm, tư vấn việc làm cần rõ ràng, minh bạch trong hoạt động giao dịch việc làm tránh trục lợi chính sách, lừa đảo  việc làm.

Đại biểu Âu Thị Mai góp ý vào dự thảo luật.

Tham gia thảo luận vào dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cơ bản nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự luật.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định về tuyển dụng và điều động nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập, đối với nhà giáo giảng dạy trường THPT nên cho Sở Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với quy định hiện hành về tuyển dụng viên chức; với nhà giáo ở cấp huyện (cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) nên giao cho UBND cấp huyện.

Cần quy định rõ các đối tượng được đặc cách và ưu tiên trong tuyển dụng; bổ sung đối tượng được đặc cách tuyển dụng là nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; các ngành nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội cần; các ngành nghề trọng điểm.

Đối với các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu đề nghị cần có chính sách ưu tiên hơn đối với nhà giáo bậc học mầm non so với nhà giáo ở các bậc học khác, do đặc thù của cấp học mầm non và để nhà giáo bậc  học mầm non yên tâm công tác, nhất là vùng miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên thảo luận.

Phát biểu với tư cách là cơ quan chủ trì thẩm tra Luật Nhà giáo, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội cho rằng Luật Nhà giáo là dự luật khó, nhưng rất cần thiết phải ban hành; nhà giáo là viên chức đặc biệt, bao gồm khối công lập và ngoài công lập được quản lý bởi nhiều luật khác nhau như Luật Viên chức, Luật Lao động, bên cạnh đó còn có nhà giáo ở những lĩnh vực đặc thù như nhà giáo ở lực lượng vũ trang... các quy định về quản lý nhà giáo nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Về tiền lương của Nhà giáo dự luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc và sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban Văn hóa-Giáo dục sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu để hoàn thiện dự án luật.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục