Quang cảnh phiên thảo luận.
Tham gia thảo luận Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đại biểu Lò Thị Việt Hà đề nghị cần rà soát kỹ, giải thích từ ngữ một số cụm từ đảm bảo chính xác để dễ hiểu, dễ áp dụng. Quy định rõ lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chịu trách nhiệm trước Chính phủ hay đơn vị quản lý trực tiếp.
Đối với lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nên giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo, quản lý, chỉ huy điều hành vì đối tượng này khi tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của liên hợp quốc. những cán bộ này từ được lựa chọn, huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đều do Bộ Quốc phòng thực hiện, mặt khác lực lượng dân sự tham gia giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc nếu không được chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành kỷ luật, chặt chẽ của Bộ phòng có thể phát sinh những việc ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Thị Nga chủ trì thảo luận.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Lò Thị Việt Hà đề nghị quy định rõ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương. Đồng thời rà soát, bổ sung danh mục các đối tượng được hưởng chính sách theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Về đối tượng lãnh đạo được hưởng chế độ của Sở Tư pháp cần quy định phù hợp với thực tiễn điều hành của đơn vị.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà phát biểu thảo luận.
Đại biểu đại biểu Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung một số đối tượng cán bộ, công chức trực tiếp, thường xuyên tham gia vào xây dựng và giám sát thực thi pháp luật được hưởng chế độ chính sách trong công tác xây dựng pháp luật. Đối với công chức được giao thực hiện nhiệm vụ pháp chế của các sở, ngành, UBND cấp xã cần nghiên cứu chế độ hỗ trợ phù hợp, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đại biểu Âu Thị Mai thảo luận.
Về Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Tuyên Quang đề nghị trong điều khoản về tổ chức thực hiện cần bổ sung rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và nêu rõ thời hạn hoàn thành các cơ chế phối hợp để triển khai Nghị quyết này nhằm bảo đảm điều kiện tiếp cận, thực hiện cơ chế, chính sách được kịp thời và khả thi.
Về đối tượng áp dụng của Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Việt Hà yêu cầu làm rõ nội hàm của “cá nhân kinh doanh”, để đảm bảo các quy định của Nghị quyết này được áp dụng với đối tượng này được phù hợp và khả thi trên thực tiễn, vì cá nhân kinh doanh có những loại hình kinh doanh mang tính mưu sinh nhiều như: Buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh…nên có những cơ chế hỗ trợ trong dự thảo không phù hợp với hoạt động kinh doanh của họ.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận
Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ tại dự thảo về một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế để đảm bảo thực hiện thống nhất, không phát sinh thêm các thủ tục con không cần thiết cho doanh nghiệp. Quy định rõ thế nào là “doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật” để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai quy định về miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp này.
Về giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn, cần bổ sung nguyên tắc về ưu tiên xử lý sớm các tài sản của doanh nghiệp khi làm thủ tục phá sản để tránh trường hợp kéo dài thời gian xử lý tài sản khiến cho giá trị tài sản bị giảm. Ngoài ra, đại biểu yêu cầu cụ thể hoá nội dung và cách thức triển khai một số nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW có khả năng triển khai ngay.
Gửi phản hồi
In bài viết