![]() |
Nhân viên làm việc trong kho của một công ty ở Birmingham, Anh. (Ảnh minh họa: Xinhua) |
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds cho biết, chính phủ nước này sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để tìm giải pháp.
"Chúng tôi sẽ luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh. Không ai mong muốn một cuộc chiến thương mại", ông Reynolds khẳng định.
Anh nhận mức thuế thấp nhất là 10%, thấp hơn so với mức 20% áp dụng đối với Liên minh châu Âu (EU) và một số mức thuế cao hơn đối với các nước châu Á. Tuy nhiên, các hiệp hội doanh nghiệp Anh cảnh báo rằng, ngay cả mức thuế 10% cũng có thể tác động nặng nề đến các ngành công nghiệp của nước này.
"Tất cả các bên đều thua trong một cuộc chiến thương mại", bà Rain Newton-Smith, Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) nhận định. Bà cho rằng quyết định của chính quyền Trump là "đáng lo ngại đối với doanh nghiệp và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu".
Đồng quan điểm, ông Stephen Phipson, Giám đốc điều hành tổ chức sản xuất Make UK gọi đây là một động thái "tàn khốc". Ông nhấn mạnh rằng, mức thuế mới có thể làm đảo lộn cán cân thương mại lâu dài giữa Anh và Mỹ.
"Thật đáng thất vọng khi mối quan hệ bền chặt giữa hai nước, trong bối cảnh cả hai đều cần thúc đẩy tăng trưởng chung, tạo việc làm và mở rộng cơ hội đổi mới, lại không được củng cố bằng việc tăng cường tự do thương mại. Thay vào đó, quyết định này sẽ ngay lập tức gây tổn hại đến người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ", ông Phipson nói.
Lĩnh vực ô-tô đang phải chịu thêm áp lực khi ô-tô Anh xuất sang Mỹ bị áp thuế 25%. "Các nhà sản xuất không thể tự hấp thụ chi phí thuế quan này", ông Mike Hawes, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô-tô Anh (SMMT) cảnh báo. Ông cũng lưu ý rằng điều này sẽ làm tăng giá xe cho người tiêu dùng Mỹ và giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Anh.
Liên đoàn Doanh nghiệp nhỏ Anh (FSB) cũng bày tỏ lo ngại khi cho biết 59% doanh nghiệp nhỏ của Anh có giao thương với Mỹ. "Thuế quan sẽ gây ra thiệt hại to lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng duy trì lợi nhuận", bà Tina McKenzie, Chủ tịch chính sách của FSB nhận định.
Các nhà sản xuất rượu whisky Scotland cũng không giấu được sự thất vọng, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của whisky Scotland. Người phát ngôn của Hiệp hội Whisky Scotland cho biết, ngành công nghiệp này ủng hộ các nỗ lực đàm phán của chính phủ Anh, đồng thời cảnh báo rằng mức thuế cao hơn có thể ảnh hưởng đến doanh số và làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết