WHO đối mặt khoản thâm hụt 2,5 tỷ USD

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách 600 triệu USD trong năm nay và 1,9 tỷ USD ở giai đoạn từ năm 2026 đến 2027.

Như vậy, ngân sách của WHO thâm hụt tổng cộng 2,5 tỷ USD từ nay đến năm 2027. Tính riêng giai đoạn 2026-2027, mức thâm hụt 1,9 tỷ USD chiếm gần 45% ngân sách đã bị cắt giảm của cơ quan này.

138958764_15863562759131n.jpg

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gặp nhiều khó khăn sau khi Mỹ rút lui. Ảnh: Tân Hoa xã

Sau khi Mỹ rút lui, WHO đã buộc phải cắt giảm ngân sách cho giai đoạn 2026-2027, từ 5,3 tỷ USD xuống còn 4,2 tỷ USD. Dữ liệu cho thấy, xứ Cờ hoa đóng góp 22% ngân sách thường xuyên của cơ quan y tế lớn nhất thế giới giai đoạn 2024-2025, cũng là mức cao nhất trong tất cả quốc gia thành viên.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết, cơ quan này dự kiến sẽ tiến hành cắt giảm nhân sự, bắt đầu từ ban lãnh đạo cấp cao, cho đến tất cả các cấp và khu vực liên quan.

Nguyên nhân xuất phát từ việc Mỹ rời WHO và trong bối cảnh nhiều quốc gia giảm tài trợ để tăng chi tiêu quốc phòng, khiến hoạt động tổng thể của cơ quan y tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Dự kiến, WHO sẽ ra thông báo chính thức về các ưu tiên công việc và nguồn lực vào cuối tháng 4.

Trước đó, ngày 20-1, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm rút Mỹ khỏi WHO. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng sẽ chính thức có hiệu lực sau một năm kể từ ngày ban hành.

Tổng thống Donald Trump cáo buộc WHO đã “lừa dối nước Mỹ”, chỉ trích cơ quan y tế toàn cầu xử lý yếu kém đại dịch Covid-19, không thông qua những cải cách cấp thiết và thất bại trong việc chứng minh tính độc lập khỏi ảnh hưởng chính trị không phù hợp của các quốc gia thành viên.

Động thái mạnh mẽ của ông chủ Nhà Trắng gợi lại những hành động tương tự trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2020, đồng thời, đánh dấu một sự thay đổi trong các chính sách của Washington đối với WHO. Trước khi rút lui, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của cơ quan y tế toàn cầu và là đối tác chính trong các sáng kiến y tế quốc tế.

WHO kỳ vọng quốc gia này sẽ cân nhắc lại quyết định khi xét đến những thành tựu chung từng đạt được sau nhiều thập kỷ hợp tác chặt chẽ.

WHO cũng có kế hoạch đa dạng hóa các nguồn tài trợ để duy trì sự ổn định, trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn với những thách thức cấp bách về sức khỏe, từ các dịch bệnh cho đến tình trạng y tế bất bình đẳng.

Hiện vẫn chưa rõ liệu WHO có thể duy trì sứ mệnh mà không có sự đóng góp từ Mỹ hay không, hoặc liệu động thái của xứ Cờ hoa có thúc đẩy các quốc gia thành viên khác đánh giá lại cam kết đối với hợp tác y tế đa phương.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục