Trước đây, số lao động hút thuốc lá tại Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang, thôn 11, xã Trung Môn (Yên Sơn) chiếm tỷ lệ cao, không khó để thấy những tàn thuốc, đầu mẩu thuốc lá tại khuôn viên sân, bãi Công ty. Với nhận thức về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, đồng thời đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ tại môi trường làm việc đặc thù của ngành chế biến gỗ, công ty đã ban hành quy định cấm hút thuốc lá trong đơn vị. Ông Phạm Xuân Hưởng, Giám đốc Công ty cho biết, Công ty hiện có 150 lao động, trong đó khoảng 70% lao động là nam giới. Ngay sau khi tuyển dụng lao động, Công ty bố trí cho người lao động học nội quy, quy chế, trong đó nhấn mạnh đến quy định không sử dụng vật gây cháy, nổ (bật lửa, hút thuốc lá...) tại các khu vực trong Công ty. Trường hợp lao động mang bật lửa, thuốc lá, chất dễ cháy vào nơi làm việc, khi phát hiện Công ty sẽ phạt theo quy định. Qua đó tình trạng hút thuốc lá tại nơi làm việc đã có chuyển biến rõ rệt, các phòng làm việc, khu vực sảnh tiếp khách, khu sản xuất đều không vương tàn thuốc, ngay cả chậu cây cảnh cũng sạch sẽ, không có đầu mẩu thuốc lá như trước.
Công ty cổ phần Đường bộ 232 tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tới người lao động.
Huyện Sơn Dương có gần 300 doanh nghiệp, HTX lớn nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhiều ngành nghề có nguy cơ cháy, nổ cao nên việc tập huấn phòng chống cháy nổ luôn được chú trọng. Thực hiện mô hình không khói thuốc lá, nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty TNHH Sữa cho tương lai, Công ty Future Of Sound Vina, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương... tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, vận động, nhắc nhở công nhân không hút thuốc tại nơi làm việc. Các công ty gắn nội dung xây dựng môi trường làm việc không có khói thuốc lá trong phong trào xây dựng doanh nghiệp văn hóa; gắn biển cấm hút thuốc lá, treo poster, hình ảnh về ảnh hưởng của thuốc lá đến sức khỏe con người tại khu vực dễ quan sát; nhiều đơn vị bố trí khu vực riêng dành cho người hút thuốc. Đồng thời, các doanh nghiệp thường xuyên có những hoạt động giao lưu bóng đá, bóng chuyền… để khuyến khích phát triển phong trào thể dục thể thao, giúp người lao động có sức khỏe tốt, nâng cao năng suất lao động.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, công nhân Công ty Future Of Sound Vina, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chia sẻ, trước đây mỗi ngày anh hút gần 2 bao thuốc lá. Từ khi vào Công ty, được mọi người nhắc nhở về tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế cũng như việc bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp, anh đã quyết tâm bỏ thuốc. Sau khi bỏ hút thuốc, sức khỏe cải thiện rõ rệt, anh cũng khuyên người thân, bạn bè, đồng nghiệp bỏ thuốc để bảo đảm sức khỏe cho mình và mọi người xung quanh.
Những năm qua, để nâng cao nhận thức cho người lao động trong các doanh nghiệp về tác hại của thuốc lá, cùng với các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn các cấp thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng đơn vị. Bà Phạm Thị Mai Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, 5 năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hơn 90 buổi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc cho hơn 12.000 lượt người lao động tại các doanh nghiệp; cấp phát 25.000 tờ gấp tuyên truyền và 500 áp phích về tác hại của thuốc lá; in, cấp phát 1.000 biển mêka “Cấm hút thuốc”; dựng 3 pano phòng chống tác hại của thuốc lá tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động; phối hợp với Sở Y tế treo 20 khẩu hiệu phòng chống thuốc lá tại trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay, 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp treo biển “Cấm hút thuốc lá” tại nơi làm việc; số đoàn viên, người lao động hút thuốc lá giảm rõ rệt.
Thời gian tới, các cấp công đoàn, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp; triển khai nhân rộng phong trào xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; khen thưởng những cá nhân, đơn vị điển hình trong phong trào để nêu gương.
Gửi phản hồi
In bài viết