Năm 2003, công trình nước sạch xã Thái Sơn (Hàm Yên) được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, quá trình vận hành, khai thác công trình đã xuống cấp, công suất cấp nước không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong xã. Năm 2021, từ nguồn vốn Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, công trình được nâng cấp mở rộng với công suất khai thác cung cấp 200 m3/ngày, đêm. Ông Triệu Minh Hường, cán bộ vận hành công trình nước sạch xã Thái Sơn cho biết, trước đây, người dân thường đào, khoan giếng hoặc dẫn nước từ các mạch suối đầu nguồn về để nấu ăn uống, về mùa khô nguồn nước khan hiếm, chất lượng nước không bảo đảm. Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được nâng cấp và đi vào hoạt động đã góp phần giải tỏa “cơn khát” nước sạch, mang lại niềm vui cho người dân. Theo ông Hường, hiện có trên 200 hộ dân đang sử dụng nước sạch, ngoài ra sẽ lắp đặt đường ống chờ để sẵn sàng đấu nối khi có hộ phát sinh có nhu cầu sử dụng nước.
Duy tu bảo dưỡng thường xuyên các công trình nước sạch đảm bảo sử dụng lâu dài.
Đồng chí Hoàng Thị Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Sơn đánh giá, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do WB tài trợ tại địa phương đã giúp nhiều gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, phục vụ sinh hoạt đảm bảo an toàn, vệ sinh, chất lượng sống được nâng lên.
Cuối năm 2019, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Quân, thôn Toạt, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) được đưa vào sử dụng. Công trình có công suất 353m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước cho 177 hộ dân nơi đây. Anh Sùng A Lý, thôn Nà Tang cho biết, gia đình anh hiện có 4 nhân khẩu, mỗi ngày chỉ dám dùng 2 thùng nước cả ăn uống và tắm giặt. Nhiều hôm đi làm nương về tối mịt vẫn phải ra cái giếng cạnh bờ suối cách nhà gần 300m lấy nước về dùng, nhưng cũng không đảm bảo, nhiều hôm mưa lũ rất nguy hiểm. Nhưng giờ đây, đã có nước sạch sử dụng, anh cùng mọi người đều vui mừng, các bệnh về đường tiêu hóa của lũ trẻ trong thôn đã giảm hơn trước rất nhiều.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 30 công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư được xây dựng, với tổng vốn thực hiện hơn 187 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2022 có thêm 26 công trình được đầu tư xây mới với tổng vốn 190 tỷ đồng. Để đảm bảo các công trình vận hành liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, trung tâm đã thành lập Ban Quản lý trạm cấp nước để quản lý, vận hành ở mỗi công trình; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ công trình và sử dụng nước tiết kiệm.
Cán bộ Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn đang hướng dẫn cách sử dụng
hệ thống cấp nước tự động tại xã Thái Sơn (Hàm Yên).
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần không nhỏ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Có nguồn nước đảm bảo, bệnh tật trong cộng đồng giảm, nhất là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như: Tiêu chảy, tả, giun sán, các bệnh ngoài da...
Phát huy hiệu quả của chương trình, trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích của việc sử dụng nước sạch; giám sát chặt chẽ các công trình, bảo đảm chất lượng nước phục vụ nhân dân. Trung tâm cũng phối hợp với UBND các xã và người dân nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn bảo vệ các công trình; thường xuyên thực hiện kiểm tra và duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật; thực hiện cân đối giá nước ổn định và hợp lý. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình quốc gia cấp nước an toàn.
Gửi phản hồi
In bài viết