Cọn nước được làm từ vật liệu tự nhiên, với những bí quyết, kinh nghiệm được truyền lại qua bao thế hệ; mọi công đoạn đều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, tay nghề cao của những người thợ.
Một cọn nước gồm 3 thành phần chính là trục giữa, nang cọn và cánh quạt. Khi làm cọn nước cần phải tính toán sao cho thật cân đối để có thể quay đều và tải nước tốt. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất trong việc làm cọn nước là việc đặt và bố trí những ống đựng nước. Thông thường mỗi ống đựng nước được buộc kèm và chéo theo mỗi cánh quạt nước. Người ta phải bố trí độ dày mỏng và đặt những ống nước ra sao để khi cọn quay, nước sẽ được múc đầy ống và đổ đúng máng dẫn nước, vừa hiệu quả lại khiến cho cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước quay. Điều đó đòi hỏi người thợ làm cọn phải rất tỉ mỉ, tính toán chính xác.
Cọn nước được đặt chắc chắn ở những con suối chạy theo những cánh đồng.
Ông Hà Văn Tuân là người sinh ra và lớn lên ở Thôn An Vượng, xã Tân An (Chiêm Hóa) chứng kiến những chiếc cọn nước đã gắn bó với quê hương ông từ bao đời nay. Trước kia, đồng bào Tày trong thôn không chỉ sử dụng cọn nước để lấy nước sinh hoạt tưới cho đồng ruộng mà là công cụ để tạo ra cối giã gạo với nhịp quay đều đều. Mỗi con nước đổ xuống từ vòng quay chiếc chày giã lại được nâng lên hạ xuống theo lực đẩy của nước, cứ thế cối gạo sẽ được giã trắng. Bây giờ, có máy xay xát, có giếng nước sạch, cọn nước chỉ để dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng.
Trải qua bao thế hệ, cọn nước còn là quá trình tích lũy đúc rút kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Trong mỗi vòng quay của cọn nước ẩn chứa trong đó sự trăn trở, tìm tòi và khả năng sáng tạo độc đáo của con người. Chiếc cọn nước đã chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào dân tộc Tày, nó đã tạo nên bản sắc riêng, độc đáo cho các bản làng của người Tày ở Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết