Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm là nội dung bắt buộc được các trường học tổ chức. Trên tinh thần chỉ đạo của ngành Giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm tạo sự hứng khởi, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đam mê học tập trong học sinh.
Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đã tổ chức hoạt động trải nghiệm “Thầy cô trong mắt em”. Tại sự kiện này, hơn 1.500 học sinh nhà trường đã tham gia các hoạt động bổ ích như: thi vẽ tranh, cắm hoa, trình bày báo tường…
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Viễn thông FPT trò chuyện, truyền cảm hứng cho học sinh trường THPT Chuyên Tuyên Quang.
Cô giáo Trần Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các hoạt động ngoại khóa được nhà trường tổ chức thường xuyên theo chủ đề từng tháng hoặc theo tuần, trường lựa chọn những nội dung trải nghiệm gắn với việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước hoặc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cần thiết, phòng tránh tai nạn thương tích, tham gia giao thông an toàn. Thông qua đó giúp học sinh nâng cao hiểu biết và có kỹ năng sống để các em phát triển toàn diện hơn.
Các hoạt động ngoại khóa tại các trường ngày càng gắn với tình hình thực tiễn của cuộc sống. Không chỉ tự đứng ra tổ chức, các trường còn phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng để buổi ngoại khóa diễn ra sôi động, hấp dẫn hơn.
Thầy giáo Trương Hữu Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh (Yên Sơn) nói, để tạo không khí sôi nổi và hứng thú cho học sinh nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Trong đó, trường đã phối hợp với công an huyện, công an xã để tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Đồng thời phối hợp với Trạm Y tế xã để tuyên truyền về bảo vệ môi trường và thói quen sinh hoạt đảm bảo vệ sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyên truyền “ăn chín uống sôi”... Những hoạt động ngoại khóa “vừa học vừa chơi” đã tạo tinh thần thoải mái, vui tươi để học sinh bước vào giờ học chính khóa hiệu quả hơn.
Trong thời gian gần đây hình thức tổ chức ngoại khóa với việc “sân khấu hóa” thông qua các hình thức tiểu phẩm đã tăng hiệu quả, thu hút học sinh tham gia. Thông qua đó đã tuyên truyền hiệu quả về kiến thức giao thông, phòng tránh tệ nạn xã hội, “truyền lửa” tình yêu môn học đối với học sinh.
Em Nguyễn Thu Thảo, lớp 12C2, trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang) vui mừng cho biết: “Chúng em vừa được tham gia buổi ngoại khóa đầu tuần với chủ đề “Văn học và cuộc sống”. Các bạn học sinh ở các lớp đã biểu diễn trang phục tái hiện nhân vật văn học gắn với từng giai đoạn. Qua đó đã giúp nhiều học sinh hiểu rõ hơn về sự khó khăn và nỗ lực vượt khó của ông cha ta để từ đó thêm yêu cuộc sống và ra sức học tập để ngày mai lập nghiệp. Hoạt động ngoại khóa cũng giúp học sinh chúng em rèn luyện kỹ năng sống tăng cường khả năng hợp tác, phát huy năng khiếu sở trường ca, hát, múa, diễn kịch, biểu diễn thời trang, dẫn chương trình”.
Nhiều trường học còn mời các nhân vật nổi tiếng, những cựu học sinh thành đạt của nhà trường, những chủ doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước... để tham gia các buổi ngoại khóa nhằm truyền cảm hứng cho học sinh.
Em Trần Bích Ngọc, lớp 11 Toán, trường THPT Chuyên Tuyên Quang cho biết: “Trong tháng 11 này, chúng em được tham gia hoạt động giáo dục với chủ đề “Câu chuyện vươn ra biển lớn”. Chúng em đã được gặp gỡ và nghe ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Viễn thông FPT và Nghệ sĩ Ưu tú, ca sĩ Khánh Hòa, công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ về cơ hội việc làm, khởi nghiệp, lựa chọn nghề phù hợp với khả năng, câu chuyện để trở thành công dân toàn cầu... Hoạt động giáo dục thật là bổ ích đã truyền cảm hứng và quyết tâm học tập trong mỗi học sinh, chúng em tự hứa cố gắng chăm ngoan, học giỏi để sau này có nghề nghiệp, có trí tuệ để xây dựng quê hương phát triển hơn”.
Việc tổ chức các hoạt động giáo dục, ngoại khóa, trải nghiệm tại các trường học trên địa bàn tỉnh với nhiều đổi mới và ngày càng thiết thực với học sinh, gắn với thực tiễn cuộc sống đã trang bị thêm cho học sinh kỹ năng sống, kiến thức bổ ích. Qua đó đã hình thành trong học sinh những thói quen tốt, rèn luyện sự tự tin, tư duy sáng tạo, khả năng tập trung, khơi dậy niềm đam mê học tập, sáng tạo, giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết