Công ty TNHH Ứng Hòa, xã Thắng Quân (Yên Sơn) hiện tập trung 2 mảng sản xuất chính: Gia công cơ khí và chế biến gỗ xuất khẩu. Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Hữu Hòa cho biết: Nhờ nguồn nguyên liệu ổn định, thời gian đầu, công ty tập trung chào hàng tại các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trong nước. Sau một thời gian ngắn tham gia thị trường, nhận thấy thị trường xuất khẩu có dư địa rất lớn, doanh nghiệp kết nối với một đơn vị khác cung cấp gỗ thanh cho các thị trường nước ngoài. Thời điểm đầu, bề mặt của gỗ thanh đều do lao động chà thủ công nên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thu mua, do chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Công ty TNHH Ứng Hòa đầu tư máy chà thùng, nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ ghép thanh xuất khẩu.
Đầu năm 2021, Công ty TNHH Ứng Hòa quyết định đầu tư một máy chà thùng trị giá trên 600 triệu đồng. Các sản phẩm gỗ ghép thanh nhờ thế được máy móc làm mịn bề mặt, chuẩn kích thước và đồng bộ. Giám đốc Nguyễn Hữu Hòa cho biết, nhờ hệ thống máy móc này mà sản phẩm được bạn hàng chấp nhận. Hiện, mỗi tháng, doanh nghiệp này cung ứng 100 m3 gỗ xuất khẩu, tạo việc làm cho 25 lao động địa phương. Ông Hòa cho biết, với một doanh nghiệp non trẻ, mới tham gia vào thị trường như Công ty TNHH Ứng Hòa, thì đầu tư cho công nghệ hiện đại là quyết định đúng đắn nhất. Nhờ quyết định này mà thị trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp được đảm bảo ổn định hơn.
Dây chuyền vò chè và sấy chè bằng máy thay cho phương pháp thủ công được Công ty cổ phần Chè Sông Lô đầu tư đã giúp doanh nghiệp này chế biến sâu và nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với việc duy trì, mở rộng thị trường. Sản phẩm tạo ra được tiêu thụ và ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Đức, Hà Lan, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc...
Theo đại diện Công ty cổ phần Chè Sông Lô, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, ảnh hưởng giá thành của sản phẩm, trong khi đó thị trường tiêu thụ không mấy tích cực, có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chè đóng gói với mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… đã tạo áp lực cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp.
Dây chuyền sản xuất chè đen xuất khẩu của Công ty cổ phần Chè Sông Lô.
Sau nhiều lần đầu tư, nhà máy chế biến chè của Công ty cổ phần Chè Sông Lô đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9001-2000 và vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP. Hệ thống máy vò chè của Liên Xô trước đây đã được thay thế bằng hệ thống máy vò hiện đại của Srilanka, nhờ đó rút ngắn được thời gian vò chè, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm điện tiêu thụ, từ đó rút ngắn thời gian tạo ra sản phẩm. Công suất sản xuất của doanh nghiệp hiện đã đạt trên 120 tấn chè búp tươi/ngày. Doanh nghiệp cũng đã sử dụng các hệ thống băng tải, cẩu, máy đảo chè héo, máy thu chè héo, cùng đó đầu tư máy xao chè, máy đóng túi chân không, máy tách cẫng, hệ thống silo bảo quản chè nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Song song với quá trình đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện dự án đầu tư mới, trồng lại toàn bộ diện tích chè đã già cỗi, năng suất chất lượng thấp bằng những giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Sản xuất chè theo hướng hữu cơ, cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm mới, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Ông Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô khẳng định, ngoài các sản phẩm chè đen xuất khẩu, công ty có thêm sản phẩm chè đặc sản KIA-Tăng đang được bạn hàng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp về “Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030” sản phẩm chè của Công ty cổ phần Chè Sông Lô đủ các tiêu chuẩn thực hiện, xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
May mắn của 2 doanh nghiệp này là sự đồng hành, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, hỗ trợ một phần kinh phí đổi mới dây chuyền, máy móc. Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công cho biết, trong 2 năm 2020 - 2021, từ nguồn vốn Khuyến công quốc gia, Quỹ khuyến công địa phương hỗ trợ trên 4,1 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp khu vực I hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho các doanh nghiệp ứng dụng máy móc, đăng ký thương hiệu sản phẩm.
Triển khai những quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh, chỉ riêng trong 2 năm 2020 - 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ trên 1,4 tỷ đồng cho 6 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó hơn 1,3 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 của HĐND tỉnh; còn lại hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 1-8-2019 của HĐND tỉnh. Bà Phạm Thị Lành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ chủ yếu tập trung nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất và đánh giá hệ thống quản lý chất lượng.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc chủ động đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn trước sức tàn phá của đại dịch Covid-19, đóng góp những “gam màu tươi sáng” vào bức tranh kinh tế trong bối cảnh bình thường mới như hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết