Dịch Covid-19 tác động mạnh đến hầu hết các ngành hàng chế biến, xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến các ngành liên quan đến hàng nông sản, có thời hạn bảo quản, sử dụng ngắn. Thế nhưng, đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, đây là cơ hội, bởi nhu cầu mua sắm, trang trí nhà cửa, sử dụng đồ gỗ trong cuộc sống của khách hàng nước ngoài tăng cao.
Tại Công ty TNHH Huiling Wood Products thuộc cụm công nghiệp xã Thắng Quân (Yên Sơn) hàng trăm công nhân đang gấp rút sản xuất lô ván ép để xuất khẩu vào ngày 20-12 tới. Bà Tô Thị Thái, đại diện Công ty TNHH Huiling Wood Products phấn khởi cho biết, đây là đơn hàng thứ 20 xuất khẩu vào thị trường Mỹ đến thời điểm này, tương đương với 5.000 m3 sản phẩm, doanh thu ước đạt trên 5 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Dự kiến từ nay đến hết năm sẽ có khoảng 1.000 m3 ván ép nữa được sản xuất, xuất khẩu theo đúng nhu cầu của bạn hàng. Bà Thái khẳng định đây là năm doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất kể từ khi đi vào hoạt động. Sản phẩm gỗ ván ép của công ty TNHH Huiling Wood Products chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp đóng đồ nội thất của Mỹ gồm: các sản phẩm tủ, chạn bếp và bàn, ghế...
Công nhân công ty Woodsland Tuyên Quang kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Tương tự như Công ty TNHH Huiling Wood Products, các công ty chế biến, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Woodsland Tuyên Quang, Acacia, An Dương cũng có sự bứt phá lớn trong xuất khẩu gỗ năm 2021. Chỉ tính riêng 2 sản phẩm gỗ keo ván sàn, gỗ ván dán của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, đến thời điểm này kim ngạch xuất khẩu đã đạt trên 7 triệu USD tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ghế đu bằng gỗ của công ty TNHH Acacia cũng tăng hơn 2 lần từ 300 nghìn USD năm 2020 lên gần 800 nghìn USD tính đến hết tháng 11.
Đại diện các doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm đỗ gỗ xuất khẩu cho rằng, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020, ngành gỗ Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung đã có rất nhiều khởi sắc. Thực tế hiện nay sản phẩm đồ gỗ chế biến từ gỗ rừng trồng của tỉnh đang xuất khẩu trực tiếp qua 4 châu lục với 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặt hàng đồ gỗ nội thất xuất khẩu vào thị trường Mỹ và một số nước châu Âu dự kiến sẽ tăng mạnh khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, mở cửa thông thương thuận tiện hơn, bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đang dần thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn.
Công nhân Công ty Woodsland Tuyên Quang sản xuất gỗ thanh xuất khẩu.
Nhận định của Sở Công thương, giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh trong năm là một điều đáng mừng song cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro bởi thị trường các nước, đặc biệt là Mỹ và một số nước châu Âu kiểm tra rất gắt gao về tính minh bạch của sản phẩm. Do đó doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ sản phẩm, bắt đầu từ khâu nguyên liệu. Thêm vào đó, là khó khăn về khâu vận chuyển sản phẩm. Bà Tô Thị Thắm, đại diện Công ty TNHH Huiling Wood Products chia sẻ, ngoài thị trường Mỹ, công ty cũng đã ký được các đơn hàng với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên tình trạng thiếu container rỗng để xuất hàng qua các cảng quốc tế; chi phí vận chuyển tăng 2 - 3 lần đã tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển thị trường của công ty.
Đại diện các doanh nghiệp chế biến, sản xuất đồ gỗ cho rằng bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp ngành Công thương, trực tiếp là Bộ Công thương phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải hỗ trợ, tạo kênh liên kết, kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu nói chung và trong vận chuyển gỗ xuất khẩu nói riêng. Ngành Công thương cũng cần có chương trình, chính sách tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, để khai thác các thị trường lớn như Mỹ, một số nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường mới nổi tiềm năng hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết