Đổi mới công tác thống kê trong đại dịch

- Xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu trong đổi mới công tác thống kê, thời gian qua, ngành Thống kê tỉnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu thu thập thông tin, nâng cao chất lượng thống kê. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trước đây, việc điều tra thông tin của ngành Thống kê tỉnh được thực hiện bằng phiếu giấy gây mất thời gian để nhập liệu, bảo quản phiếu, tổng hợp và xử lý số liệu. Từ năm 2018, ngành Thống kê tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc áp dụng hình thức phiếu điều tra điện tử Capi và Webform trong các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, điều tra doanh nghiệp năm 2020, điều tra kinh tế năm 2021, góp phần giảm chi phí, nhân lực, nâng cao chất lượng số liệu, rút ngắn thời gian xử lý thông tin và công bố sớm kết quả điều tra.

Cán bộ Phòng Thu thập thông tin, Cục Thống kê tỉnh rà soát thông tin trên phần mềm
 Nhập tin - Tổng hợp lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Đặc biệt cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021, diễn ra đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự tích cực, chủ động đổi mới của ngành Thống kê trong ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc Tổng điều tra và thu thập thông tin trên phiếu điều tra điện tử Capi và Webform trên thiết bị thông minh: Máy tính bảng, điện thoại Smartphone… Nhờ đó, tiến độ, yêu cầu nội dung đảm bảo đúng theo kế hoạch với 2.082 doanh nghiệp, hợp tác xã, 580 đơn vị sự nghiệp, 80 đơn vị hiệp hội được điều tra, kê khai đầy đủ đạt 100% kế hoạch và 31.127/32.201 cơ sở cá thể được điều tra, kê khai, đạt tỷ lệ 97% kế hoạch.

Ông Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, từ năm 2018 đến nay, song song với cải tiến hình thức thu thập thông tin, công tác lập bảng kê, kiểm tra, giám sát và xử lý dữ liệu các cuộc điều tra của Cục Thống kê cũng được thực hiện thông qua các phần mềm, chương trình điều hành tác nghiệp, ngành đã áp dụng phần mềm Eoffice, Tasgov, Misa trong công tác giao việc, theo dõi tiến độ công việc, thực hiện chữ ký số, gửi báo cáo và lưu trữ. Việc giám sát, kiểm tra và duyệt số liệu có thể tiến hành trực tuyến và song song với quá trình thu thập thông tin tại địa bàn; kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, đánh giá chất lượng công chức. Ngoài ra, tất cả các dữ liệu thông tin được thu thập sẽ lập tức được chuyển ra trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu của Tổng cục Thống kê để tổng hợp, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung, giúp việc khai thác dữ liệu được thuận lợi và nhanh chóng.

Phòng Thu thập thông tin là một trong các phòng chuyên môn của Cục Thống kê tỉnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào xử lý công việc. Phòng đang triển khai 12 phần mềm phục vụ chuyên môn. Trong đó, có phần mềm để thu thập dữ liệu đầu vào được thực hiện trực tiếp bằng thiết bị điện tử thông minh Capi, Webform cùng các phần mềm điều tra kinh tế - xã hội đều được tổng hợp số liệu trên các phần mềm do Tổng cục Thống kê cung cấp. Ông Phạm Quang Vinh, Trưởng phòng Thu thập thông tin, Cục Thống kê tỉnh cho biết, việc áp dụng các phần mềm điện tử vào công việc chuyên môn đã đem lại rất nhiều lợi ích, giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa điều tra viên và đối tượng điều tra; kịp thời phát hiện, xử lý, sửa lỗi khi có sự cố xảy ra, góp phần mang lại tính chính xác cao trong công tác điều tra và giảm thời gian trong việc tổng hợp, quản lý và báo cáo dữ liệu thu thập. Trước đây, việc tổng hợp số liệu mất thời gian khoảng 1 đến 2 ngày nhưng từ khi có phần mềm điện tử thì chỉ mất mấy phút là xong.

Chị Lê Thị Thu, điều tra viên xã Hợp Thành (Sơn Dương) chia sẻ, việc áp dụng điều tra thông tin bằng phiếu điện tử giúp chị giảm công sức trong việc thu thập thông tin, kiểm tra phiếu và nghiệm thu kết quả, đảm bảo kết quả điều tra chính xác, báo cáo nhanh chóng kịp thời. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hạn chế đi lại, tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng chống dịch bệnh mà công tác thống kê vẫn đảm bảo chính xác, đúng tiến độ.

Để thực hiện hiệu quả công tác thống kê, thời gian tới, ngành Thống kê tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng công việc; nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao trình độ ứng dụng cho đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, ngành thực hiện và hoàn thành nhiều bộ số liệu, thực hiện nhiều cuộc điều tra ngoài kế hoạch về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phục vụ các cấp, các ngành trong việc đánh giá, xây dựng và hoạch định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đơn vị hành chính, giai đoạn.       

 Bài, ảnh: Vân Anh

Tin cùng chuyên mục