Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý mô hình chính quyền 2 cấp, sáp nhập tỉnh

- Ngày 6-5, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm công tác trợ giúp pháp lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập tỉnh.

Các đại biểu tham dự toạ đàm.

Tham gia tọa đàm có lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ; lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh, các Trung tâm trợ giúp pháp lý cùng đại diện một số sở, ban, ngành, tổ chức liên quan.

Ngày 9-4-2025, Bộ Tư pháp có Công văn số 1866 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; trong đó hướng dẫn lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc ở địa phương về lĩnh vực này, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tổ chức làm việc với các địa phương với tinh thần đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

Thảo luận tại buổi tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác của ngành tư pháp nói chung và công tác trợ giúp pháp lý nói riêng. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, việc thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa bàn tỉnh tiến hành sáp nhập cho phù hợp với nhu cầu trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là duy trì bộ máy, số lượng người làm việc, đối với việc phân cấp một số nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương. Đây là bước đi nhằm tăng tính chủ động cho địa phương, khi được trao quyền, địa phương sẽ trực tiếp chỉ đạo thực hiện và đồng thời phải chịu trách nhiệm với kết quả của mình…

Thời gian tới, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đề nghị các địa phương tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để công tác trợ giúp pháp lý tại địa bàn thực sự có chất lượng, hiệu quả, không bị gián đoạn. Qua đó góp phần đảm bảo người dân thuộc diện được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, thuận tiện. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp đổi mới công tác trợ giúp pháp lý đáp ứng giai đoạn mới hiện nay.

Lan Phương

Tin cùng chuyên mục