Ký ức Điện Biên

- Hai tiếng Điện Biên không chỉ là biểu tượng của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mà còn là bản anh hùng ca bất tử, được viết nên bằng máu, nước mắt và cả tuổi thanh xuân của hàng vạn người lính. 71 năm đã đi qua, nhưng trong ký ức của những người lính năm xưa, Điện Biên vẫn còn đó nguyên vẹn, sống động và thiêng liêng như ngày đầu.

Giằng co từng đoạn hào, ụ đất

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng người lính Điện Biên Hoàng Minh Cần,  thôn 17, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) vẫn nhớ như in ký ức hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 10-1950, ông Cần xung phong lên đường nhập ngũ, ông đóng quân tại Sư đoàn 316, Trung đoàn 174, tỉnh Lạng Sơn. Ông tham gia chiến đấu một số trận ở Mộc Châu, Cò Nòi, Hát Lót... Cuối tháng 1-1954, sư đoàn của ông được lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Cần kể, đơn vị của ông tham gia chiến đấu tiêu diệt cứ điểm đồi A1. Cứ điểm A1 là ngọn đồi có vị trí chiến lược chi phối toàn bộ khu trung tâm của cứ điểm, tại đây địch bố trí 5 đại đội quân Pháp có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ. Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 có nhiệm vụ đột phá khẩu, tạo điều kiện cho các đơn vị E102 - F308 tham gia tiến công. Trận chiến đấu trên đồi A1 diễn ra quyết liệt, ta và địch giằng co từng đoạn hào, từng ụ đất, cứ đêm ta chiếm được thì đến sáng địch lại cho quân phản kích chiếm lại các vị trí đã mất.

Qua 3 đợt tiến công rất nhiều chiến sỹ của ta bị thương và anh dũng hy sinh. Nhưng cứ nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi cán bộ chiến sỹ toàn mặt trận “Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn nhưng rất vinh quang... các chú phải quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ...” là mọi người lại quên hết gian khổ hiểm nguy, quyết tâm chiến đấu giải phóng Điện Biên. Đêm 1-5-1954 sau trận pháo bắn mở màn bộ binh ta từ 4 hướng đồng loạt tiến công đánh chiếm đồi A1.

Những người lính Điện Biên Hoàng Minh Cần, Đỗ Tiến chia sẻ ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ.

Trung đoàn 174 của ông nằm ở hướng Đông Nam. Sau khi khối bộc phá 1.000 kg phát hỏa, các đơn vị ào ạt xông lên, trận chiến diễn ra ác liệt đến 4 giờ 30 phút ngày 7-5 đơn vị ông tiêu diệt hai đại đội dù lê dương. Đến 9 giờ ngày 7-5 toàn bộ cứ điểm A1 đã do ta làm chủ.

Dù đã 94 tuổi, nhưng mỗi lần nhớ đến chiến dịch năm xưa, ông Cầm lại lật giở từng trang nhật ký, những bức ảnh phai nhạt theo năm tháng để kể cho các con, cháu nghe về một thời hào hùng. Ông cũng thường xuyên tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống, nói chuyện về những chiến công hào hùng đã qua cho các em học sinh tại trường học trên địa bàn xã. Ông Cần luôn tự hào mình là người chiến sỹ Điện Biên.

Nhớ mãi hình ảnh Anh hùng Tô Vĩnh Diện

17 tuổi, ông Đỗ Tiến (tổ 16, phường Tân Quang, TP Tuyên Quang) đã khoác ba lô lên đường, tham gia trực tiếp vào 3 đợt tấn công từ ngày 13-3 đến 7-5-1954. Năm 1953, ông Tiến được điều động vào Trung đoàn pháo cao xạ 367, lực lượng pháo cao xạ chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trải qua 8 tháng huấn luyện gian khổ tại Trung Quốc, rồi trở về nước, tập kết tại núi Nghiêm, thị xã Tuyên Quang, chuẩn bị cho một chiến dịch bí mật mang mật danh Trần Đình. Mãi sau này ông và đồng đội mới biết đó chính là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch, nhiệm vụ của đơn vị ông là bảo vệ bộ binh, khống chế không quân địch, làm suy yếu con đường tiếp tế duy nhất bằng đường không của Pháp. Trong những ngày tháng ấy, pháo cao xạ đã trở thành cơn ác mộng với không quân địch. Những chiếc máy bay lượn vòng trên bầu trời Mường Thanh lần lượt bị bắn hạ. Sân bay dần bị vô hiệu hóa, tiếp tế lương thực của Pháp bị cắt đứt, mở ra thời cơ cho chiến thắng lịch sử.

Nhưng điều khiến ông Tiến day dứt nhất suốt mấy chục năm qua là khoảnh khắc chứng kiến sự hy sinh anh dũng của người Khẩu đội trưởng Anh hùng Tô Vĩnh Diện. Ông Tiến nghẹn ngào kể, trong một lần kéo pháo qua đèo, dây kéo bị đứt vì trúng đạn pháo. Khẩu pháo trượt xuống, và trong khoảnh khắc sinh tử, anh Tô Vĩnh Diện đã lao mình vào bánh pháo, dùng thân chèn lại. Máu trào, ngực nát, nhưng giây phút cuối đời, anh vẫn thì thào: “Pháo có bị rơi không?”. Câu nói ấy, hình ảnh ấy, như khắc sâu vào tim ông Tiến, thành ký ức không bao giờ phai.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 71 năm, những người lính năm xưa đều đã ngoài 90, nhưng với họ, Chiến dịch Điện Biên Phủ đó không chỉ là ký ức, mà là cả một thời tuổi trẻ rực lửa. Những đêm hành quân xuyên rừng, những lời thề khắc vào nòng súng, những đồng đội mãi mãi nằm lại giữa núi rừng Tây Bắc… tất cả là một phần máu thịt, là di sản tinh thần vô giá.

Đóng góp của Tuyên Quang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ:

- Trong năm 1953 - 1954, tỉnh đã kiện toàn, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị, xây dựng được một tiểu đoàn gồm 4 đại đội và 1 trung đội trợ chiến.

- Năm 1953, huy động 1.021.136 ngày công sửa chữa 168 km đường trong giai đoạn chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Năm 1954, tổng huy động 56.196 người, chiếm 43% dân số toàn tỉnh với 1.854.360 ngày công trong thời điểm quyết định chiến dịch.

- Cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh; hàng trăm tấn rau xanh cho bộ đội, 1.881.322 kg gạo cho các chiến dịch làm cầu đường.

 - Hoàn thành việc tu sửa và mở các đường số 41, số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, đây là những trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới, với tổng chiều dài khoảng 300 km.

- Đảm bảo giao thông qua phà Bình Ca và phà Hiên, từ 20 xe/ngày tăng lên 64 xe/ngày.

- Xây dựng 6 trại điều dưỡng cho 500 thương, bệnh binh; đồng thời động viên Nhân dân chuẩn bị cơ sở vật chất để đón thương, bệnh binh về làng chăm sóc.

Bài, ảnh: Trang Hoàng

Tin cùng chuyên mục