Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ, tiện ích của mạng xã hội, việc tìm kiếm thông tin đã nhanh chóng, thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc tiếp cận sách báo trực tiếp hoặc online giữa một thế giới sách tĩnh lặng, mát mẻ, đầy màu sắc... vẫn là một trải nghiệm thú vị với nhiều nhóm đối tượng bạn đọc.
Đồng chí Đỗ Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Thư viện tỉnh luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phục vụ bạn đọc. Tích cực phát triển vốn tài liệu thư viện cả về số lượng và chất lượng, tổng số sách báo bổ sung luôn tăng so với những năm trước. Thư viện tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc từ thư viện truyền thống sang kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Quản lý tài liệu và lưu thông phục vụ bạn đọc trên phần mềm quản lý thư viện hiện đại Ilip, thu hút đông đảo nhân dân đến đọc, mượn sách báo, tra cứu thông tin… đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.
Xe ô tô thư viện lưu động của Thư viện tỉnh phục vụ các em học sinh tại điểm trường Tiểu học Tân Thịnh (Chiêm Hóa).
Cùng với đó, điểm truy nhập internet của thư viện thường xuyên mở cửa phục vụ đông đảo người dân, đặc biệt là các em học sinh đến sử dụng, phục vụ việc khai thác thông tin, bổ trợ kiến thức học tập, tìm hiểu pháp luật...
Ngoài công tác phục vụ bạn đọc tại chỗ, thư viện tỉnh còn mở rộng hình thức phục vụ bạn đọc ngoài thư viện như: phục vụ xe thư viện lưu động đa phương tiện tại 7 huyện, thành phố; luân chuyển sách đến các thư viện, tủ sách cơ sở xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện - văn hóa xã, thư viện các trường học… nhằm đưa sách báo và trang thiết bị hiện đại đến với nhân dân và thanh thiếu nhi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Giao, 71 tuổi, ở tổ 8, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang cho biết, ở tuổi này, có nhiều thời gian thư nhàn, bà rất hứng thú và quan tâm đến những tư liệu, tài liệu có giá trị lịch sử, chứa đựng nhiều thông tin sâu, bổ ích. Ngoài ra, bà tìm đọc những tài liệu liên quan đến các vị thuốc nam, cây thuốc vườn nhà, các loại sách về chăm sóc sức khỏe để có thêm kiến thức, kinh nghiệm cho gia đình. Bà Giao bảo: sách ở Thư viện rất giá trị, do các nhà khoa học tin cậy viết ra. Đọc sách do các nhà khoa học viết thì có cơ sở khoa học hơn, yên tâm hơn nhiều so với đọc những bài thuốc, vị thuốc mang thông tin một chiều, chủ quan, vô căn cứ trên mạng xã hội.
Là bạn đọc thường xuyên, thân thiết của Thư viện, em Lê Phạm Trung Dũng ở tổ 11, phường Phan Thiết chia sẻ: mùa hè có nhiều thời gian, em thường lên Thư viện đọc sách giải trí, thư giãn. Em thấy không gian ở Thư viện rất thoáng đãng, mát mẻ, Thư viện có nhiều sách hay, màu sắc hấp dẫn, ngoài ra ở đây còn có phòng máy miễn phí truy cập internet. Ở đây, em được gặp nhiều bạn có cùng niềm yêu thích đọc sách và giới thiệu cho nhau những cuốn sách hay.
Cùng với đó, thư viện tỉnh còn tổ chức các cuộc thi ý nghĩa như “Đại sứ văn hóa đọc”, các hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam; ngày hội đọc sách; tuyên truyền giới thiệu sách; tổ chức triển lãm sách, báo, tư liệu nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước. Duy trì trang Fanpage “Thư viện Tuyên Quang” giới thiệu sách và các hoạt động của thư viện, nhằm kết nối và tăng tương tác với độc giả; phát huy mô hình xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện, phục vụ lưu động tại các điểm trường, tạo thêm nhiều cơ hội để bạn đọc tiếp cận với kho tri thức của nhân loại...
Hành trình mang ánh sáng tri thức đến với người đọc với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc của Thư viện tỉnh không chỉ góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, thu hút đông đảo độc giả ở nhiều lứa tuổi đến với thư viện mà còn giúp nuôi dưỡng, duy trì hứng thú đọc, nâng cao văn hóa đọc cho người dân, tạo hiệu ứng xã hội tốt đối với hoạt động của thư viện.
Gửi phản hồi
In bài viết