Mái nhà chung của văn nghệ sỹ xứ Tuyên

- Một nhiệm kỳ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trôi qua, đội ngũ văn nghệ sỹ lại có dịp nhìn lại thành quả của mình. Trên lĩnh vực văn học, hội họa, âm nhạc... đội ngũ sáng tác ngày càng lớn mạnh. Nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống khẳng định được tài năng con người xứ Tuyên.

Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh xác định, xây dựng đội ngũ tác giả có tính chuyên nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm công tác hội. Trong đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được chú trọng. Hàng năm, hội đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến hội viên. Bên cạnh đó, hội xây dựng, củng cố tổ chức hoạt động của các phân hội: Kiến trúc sư, Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Nhiếp ảnh.

Toàn hội hiện có 146 hội viên. Hội đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sáng tác cho các hội viên thông qua việc tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các chuyến đi thực tế, trại sáng tác. Trong nhiệm kỳ, đã mở được 5 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh; 10 trại sáng tác tại địa phương và tỉnh bạn, 16 chuyến đi thực tế. Các hội viên đã tập trung đi sâu thâm nhập thực tế và cho “ra lò” nhiều tác phẩm có chất lượng.

Đại diện lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trao đổi với các hội viên về nâng cao chất lượng tác phẩm trên 
Tạp chí Tân Trào.

Hội thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác để các tác giả có điều kiện giao lưu học hỏi thể hiện tài năng. Trong 5 năm đã có 4 cuộc thi được phát động trên Báo Tân Trào (nay là Tạp chí Tân Trào), thu hút hàng nghìn tác giả hội viên và các tác giả trên mọi miền của Tổ quốc cùng tham gia hưởng ứng. Các cuộc thi tập trung phản ánh cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên quê hương Tuyên Quang “Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến”.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sỹ đã được thực hiện nghiêm túc và đúng quy định, tạo động lực cho đội ngũ văn nghệ sỹ say sưa cống hiến. Nhiệm kỳ qua, hội đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của Trung ương và tài trợ sáng tác chất lượng cao của tỉnh cho hàng trăm lượt hội viên. Bình quân mỗi năm có 239 triệu đồng đến với hàng chục tác giả có tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật tiêu biểu.

Với những hoạt động tích cực đó, hội đã thu hút, tạo không khí sáng tác sôi nổi cho đội ngũ văn nghệ sỹ. Từ đó, các phân hội đã hình thành đội ngũ tác giả có tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học nghệ thuật. Trong số này phải kể đến tác giả: Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Cao Xuân Thái (chuyên ngành văn học); Mai Hùng, Lê Cù Thuần, Lương Hiện (chuyên ngành mỹ thuật); Nguyễn Chính, Quang Minh, Mạnh Cường (chuyên ngành nhiếp ảnh); Tăng Thình, Tân Điều, Đinh Tiến Bình (chuyên ngành âm nhạc)…

Tích cực quảng bá tác phẩm tới công chúng

Nhiệm kỳ qua, hoạt động xuất bản và công bố tác phẩm có vai trò quan trọng trong hoạt động công tác hội vì chỉ thông qua hình thức này các tác phẩm mới tiếp cận được với công chúng. Do đó, hội đã tích cực đẩy mạnh hoạt động xuất bản, triển lãm, các liên hoan nghệ thuật.

Thân nhân gia đình cố nhà văn Đinh Công Diệp (thứ 2 từ phải qua) nhận thưởng cho tác giả xuất sắc của Hội Văn học - nghệ thuật chuyên ngành Trung ương với tiểu thuyết “Rừng có tiếng người”.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, đã có trên 1.000 tác phẩm của gần 100 tác giả là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang được đăng tải trên Tạp chí Tân Trào; trên Báo Tuyên Quang và một số tờ báo, tạp chí ở Trung ương như: Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an; các tạp chí chuyên ngành Trung ương và các báo, tạp chí ở tỉnh, thành trong cả nước.

Thực hiện chuyển đổi mô hình từ báo sang tạp chí, tháng 6-2021, Tạp chí Tân Trào đã xuất bản số đầu tiên. Tạp chí Tân Trào xuất bản định kỳ mỗi tháng một số, với 68 trang/kỳ. Việc ra đời Tạp chí Tân Trào là sự kế thừa những giá trị tốt đẹp mà các thế hệ nhà báo, các văn nghệ sỹ của tỉnh qua các thời kỳ đã gây dựng bằng tâm huyết và ý thức trách nhiệm với độc giả.

Để bắt nhịp với xu hướng mới, Tạp chí Tân Trào không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng. Tạp chí xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục thu hút độc giả như: Xứ Tuyên đất và người,  Đời có người như thế,  Chân dung hội viên, Lý luận phê bình, Văn học dịch...

Bên cạnh đó, Trang thông tin điện tử của hội duy trì hoạt động hiệu quả với địa chỉ: vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn. Giới văn nghệ sỹ của Tuyên Quang đã có được một kênh thông tin đáng tin cậy trên không gian mạng; là nơi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với giới văn nghệ sỹ của cả nước. Đồng thời đây cũng là nơi để công bố, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ trên vùng quê cách mạng Tuyên Quang.

Hội cũng quan tâm tạo điều kiện cho hội viên xuất bản sách. Trong nhiệm kỳ qua đã xuất bản được 54 đầu sách. Trong đó có 18 tập truyện ngắn; 11 cuốn tiểu thuyết, 19 tập thơ, 2 tập truyện thiếu nhi, 2 tập sưu tầm văn hóa dân gian. Một số tác phẩm tiêu biểu của hội viên như tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” của cố nhà văn Đinh Công Diệp đoạt giải thưởng xuất sắc; tập thơ “Đôi mắt đợi” của Tạ Bá Hương đoạt giải B giải thưởng hàng năm của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trong năm 2021.

Cùng với xuất bản báo, in sách, hội còn tổ chức cho các hội viên tham gia triển lãm, Liên hoan ảnh nghệ thuật. Có thể nói, đây là hoạt động có nhiều đổi mới và thành tích nhất trong nhiệm kỳ qua. Trong cả nhiệm kỳ, hội đã tổ chức cho hội viên tham gia 5 cuộc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc với trên 100 tác phẩm. Kết quả, đã có 8 tác phẩm của các họa sỹ được nhận giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Liên Hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và của tỉnh.

Hội cũng đã tổ chức cho hội viên Phân hội nhiếp ảnh tham dự 5 cuộc Liên hoan Ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều bức ảnh nghệ thuật chất lượng đã được treo tại các cuộc triển lãm góp phần quảng bá vẻ đẹp đất và con người xứ Tuyên. Trong 5 năm qua, chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang đã có 9 tác giả trực tiếp tham gia cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế, với hơn 200 tác phẩm. Kết quả có 41 tác phẩm ảnh đoạt giải, trong đó có 5 Huy chương Vàng và giải nhất; 8 Huy chương Bạc và giải nhì; 11 Huy chương Đồng và giải ba; 17 giải khuyến khích.

Hội phối hợp với Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh tạo điều kiện cho hội viên công bố tác phẩm về âm nhạc, sân khấu. Nhiều tác phẩm nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng yêu nghệ thuật.

Nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ hội viên, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các phân hội và tính chuyên nghiệp trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Hội đặc biệt quan tâm phát triển hội viên trẻ, hội viên là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc đẩy mạnh việc quảng bá tác phẩm, hội chú trọng bồi dưỡng sáng tác, đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các tác phẩm chất lượng cao. Hội phát huy nội lực đẩy mạnh quán triệt, triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII; Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Chương trình hành động số 20 của Tỉnh ủy Tuyên Quang thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị… bảo đảm tạo chuyển biến rõ nét trong sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật giai đoạn mới.     

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính, Ủy viên BCH Hội,
Phân hội Trưởng Phân hội Nhiếp ảnh

Những năm gần đây, hoạt động nhiếp ảnh của Tuyên Quang có nhiều khởi sắc, các nghệ sỹ tham gia hầu hết các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế và gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, so với mặt bằng nghệ thuật nhiếp ảnh các tỉnh miền núi phía Bắc và của cả nước, hoạt động nhiếp ảnh của tỉnh vẫn còn những hạn chế.

Để nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật, tôi nghĩ rằng Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh cần có kế hoạch dài hạn, trong đó phải nâng cao trình độ, kinh nghiệm tay nghề, kiến thức hiểu biết xã hội và bản lĩnh, ý thức, chính trị cho hội viên. Để làm được điều này, hội cần tăng cường mở trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế, tham quan học tập nhằm mở rộng không gian, tư liệu sáng tác... cho hội viên. Làm được điều này sẽ nâng cao kiến thức toàn diện cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh của tỉnh, giúp cho họ có đủ các yếu tố về trình độ kỹ thuật, bản lĩnh, ý thức chính trị, sáng tác ảnh nghệ thuật với chất lượng cao.


Nhà văn Đỗ Anh Mỹ, 
Phân hội trưởng Phân hội Văn học

Trong nhiệm kỳ qua, hội viên tham gia sáng tác trên 1 nghìn tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phản ánh sự chuyển mình của quê hương Tuyên Quang trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; chống tiêu cực, tham nhũng trong đời sống xã hội. Các tác giả đã xuất bản 52 đầu sách, tăng 125% so với nhiệm kỳ trước. Các cây bút văn học cũng tích cực tham gia viết bài tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quảng bá, giới thiệu thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh đến các thị trường trong và ngoài tỉnh, thị trường nước ngoài...         

Để hoạt động văn học tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 có thể đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển của quê hương, đất nước, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chia sẻ của các ngành hữu quan dành cho các văn nghệ sỹ, cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật tỉnh nhà một sự động viên và điều kiện sáng tác mới. Tới đây, các nhà quản lý sáng tác văn học, nghệ thuật tỉnh nhà cần quan tâm hơn nữa phát hiện, tuyển chọn, kết nạp những cây bút trẻ là con em các dân tộc. Tỉnh có chính sách hỗ trợ gửi đi đào tạo tại trường viết văn Nguyễn Du, trở về làm nòng cốt cho hoạt động sáng tác văn học sau này.


Nhạc sỹ Tân Điều
Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc

Trong nhiệm kỳ qua, giới sáng tác âm nhạc Tuyên Quang đã phát triển các hoạt động theo đúng định hướng đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt các hoạt động, chủ động, linh hoạt, theo yêu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt qua các trại sáng tác, các cuộc thi, các chuyến đi thực tế do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và một số ban, ngành tổ chức, các tác giả đều có tác phẩm mang hơi thở cuộc sống được dư luận đánh giá cao. Các chủ đề mà nhạc sỹ sáng tác luôn gắn bó với tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, biển đảo quê hương… Một số tác phẩm của các tác giả đã đạt các giải thưởng trong các kỳ liên hoan, các cuộc vận động do các hội chuyên ngành Trung ương cũng như của tỉnh ta tổ chức.

Bước vào nhiệm kỳ mới, mỗi hội viên hãy nhóm lên ngọn lửa đam mê của mình để cháy mãi không bao giờ tắt, sáng tạo ra nhiều tác phẩm hay xứng đáng là những văn nghệ sỹ trên quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động của hội để Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang thực sự là ngôi nhà chung của anh chị em văn nghệ sỹ.


Nghệ sỹ Lê Mạnh Cường 
Phân hội trưởng Phân hội sân khấu

Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Phân hội Sân khấu đã có rất nhiều cố gắng, đạt được những thành tích nổi bật, nhưng tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của phân hội. Để nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới, phân hội mong muốn Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức tập huấn hoạt động nghiệp vụ cho hội viên về công tác sân khấu, để hội viên hiểu biết thêm về lĩnh vực hoạt động chuyên ngành. Đồng thời, tổ chức cho hội viên nắm bắt kịp thời tình hình thời sự; tham gia các trại sáng tác để giao lưu học hỏi, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và hiểu biết xã hội cho hội viên.  

               

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục