Từ câu chuyện bảo tồn Then
Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để bảo tồn di sản Then. Tỉnh Tuyên Quang xác định một phương châm xuyên suốt đó là muốn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Then cần phải làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy và thực hành nghi lễ. Do đó, tỉnh rất quan tâm đến việc khuyến khích các nghệ nhân am hiểu, có khả năng truyền dạy Then để truyền dạy Then cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động các Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính.
Tỉnh đã sớm đưa việc tổ chức dạy hát Then, đàn Tính trong các trường tiểu học, trung học, dân tộc nội trú. Nhiều địa phương và các trường học trên địa bàn tỉnh đã thành lập, duy trì hiệu quả và phát triển các câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Toàn tỉnh hiện nay có 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Tỉnh đã khuyến khích các nghệ nhân lưu giữ, sưu tầm, ghi chép các làn điệu Then, nhất là Then cổ. Ngoài ra, những giải pháp trong đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” đã được triển khai, áp dụng trong thực tế từ năm 2014 đến nay. Tuyên Quang cũng là tỉnh rất quan tâm đến việc vinh danh, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn di sản Then được cống hiến. Toàn tỉnh hiện nay có 8 nghệ nhân ưu tú và 2 nghệ nhân nhân dân có nhiều cống hiến, đóng góp trong việc bảo tồn di sản Then đã được phong tặng.
Cùng với việc tích cực nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy hát Then - đàn Tính, Tuyên Quang còn đẩy mạnh công tác quảng bá rộng rãi về giá trị của di sản Then đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Công tác quảng bá giá trị di sản Then gắn với các hoạt động biểu diễn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phát triển du lịch. Tại nhiều địa phương phát triển du lịch cộng đồng ở các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa đều thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ hát Then - đàn Tính sẵn sàng biểu diễn phục vụ khách du lịch. Các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của tỉnh, Tuyên Quang đều quảng bá, giới thiệu, đưa lên sân khấu chuyên nghiệp, tham gia giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước các tiết mục biểu diễn hát Then - đàn Tính hấp dẫn, đặc sắc. Tuyên Quang cũng là tỉnh giành nhiều giải cao tại Liên hoan hát Then - đàn Tính được tổ chức quy mô toàn quốc.
Trình diễn Nghi lễ cấp sắc của người Dao tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2022. Ảnh: Thanh Phúc
Từ thực tiễn này khẳng định, Tuyên Quang đã khơi dậy được lòng yêu thích, đam mê và tự hào về di sản Then trong đồng bào dân tộc Tày, củng cố khả năng tồn tại, thúc đẩy khả năng sáng tạo của cả cộng đồng để di sản Then được bảo tồn bền vững.
Bài học bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể
Tuyên Quang là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa nên ngoài di sản Then của người Tày, tỉnh còn có 12 văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, Lễ cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, kéo co truyền thống, hát Sình ca của dân tộc Cao lan, Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, Lễ hội đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương); Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn; Lễ Đại phan của người Sán Dìu. Trong những năm qua, Tuyên Quang đã tổ chức nghiên cứu, phục dựng, tái hiện nhiều lễ hội, nghi lễ đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, Giảng viên cao cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức xây dựng hồ sơ quốc gia “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đệ trình UNESCO đề nghị đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thời gian qua, Tuyên Quang là tỉnh đã làm rất tốt công tác bảo tồn di sản Then. Từ công tác bảo tồn Then, đối với các di sản văn hóa phi vật thể khác, Tuyên Quang cần triển khai theo lộ trình, kế hoạch.
Theo từng giai đoạn, Tuyên Quang cần có sự đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Từ đó phân loại, đầu tư bảo tồn có trọng điểm. Quá trình bảo tồn, tỉnh cần đặc biệt lưu tâm đến giải pháp tổ chức biểu diễn ở cộng đồng và do chính quyền tổ chức và quan tâm đến phương pháp truyền dạy của các nghệ nhân. Tỉnh cần huy động sự chung tay của cả cộng đồng cũng như có sự đầu tư xứng đáng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể.
Còn theo Nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ công tác bảo tồn di sản Then ở Tuyên Quang những năm qua cho thấy, Tuyên Quang vẫn còn rất nhiều các di sản khác cần được bảo tồn, khơi dậy và phát huy. Mỗi địa phương cần căn cứ vào thực tiễn các loại hình di sản của địa phương là thế mạnh để tập trung bảo tồn. Công tác sưu tầm, truyền dạy và thực hành các nghi lễ vẫn là những giải pháp cốt lõi nhất để bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Đối với giải pháp truyền dạy, các địa phương trong tỉnh cần quan tâm nắm chắc số lượng nghệ nhân ở từng loại hình di sản, lựa chọn những nghệ nhân thực sự am hiểu về loại hình đó để truyền dạy trong dòng họ, cộng đồng, trường học… cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên phù hợp đối với các nghệ nhân, hạt nhân đội văn nghệ cơ sở. Công tác bảo tồn di sản cần gắn chặt với quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Tuyên Quang có nhiều dân tộc sinh sống nên đã tạo ra màu sắc văn hóa đa dạng, phong phú. Đây chính mà “vườn hoa” văn hóa cần được bảo tồn. Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể nhìn từ công tác bảo tồn di sản Then ở Tuyên Quang có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới hiện nay, làm giàu thêm các giá trị văn hóa riêng có để Tuyên Quang trở thành mảnh đất mà bất kỳ ai cũng muốn đặt chân đến để trải nghiệm.
Gửi phản hồi
In bài viết