Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Then

- Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức vào tối 3-9-2022, tại sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang). Dưới đây là ý kiến của một số bộ, ngành, các tỉnh, nhà nghiên cứu về giá trị của Di sản Then và các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn,
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Then, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Tổ chức rà soát, lập hồ sơ các nghệ nhân thực hành Then; kiểm kê chuyên đề Di sản Then, tổ chức phục dựng, bảo tồn nghi lễ Cấp sắc Then; mở các lớp truyền dạy thực hành Then tại các xã có nghệ nhân Then sinh sống. Cùng với đó, tỉnh luôn chú trọng tuyên truyền, quảng bá về Di sản Then trên các phương tiện thông tin đại chúng qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, hoạt động trong nước và quốc tế, thành lập các CLB hát Then, đàn Tính trong cộng đồng.

Thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục nhận diện, nghiên cứu, kiểm kê tư liệu hóa di sản này. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phục dựng,  truyền dạy, sáng tạo và hưởng thụ không gian thực hành Then; tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, tỉnh sẽ đưa thực hành Then vào giảng dạy trong các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn có Di sản Then; mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác với tổ chức UNESCO và các tổ chức quốc tế để thực hiện tốt việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Then…


Đồng chí Nông Quốc Thành,
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Việc bảo tồn các nghi lễ Then tại Tuyên Quang nói riêng và các địa phương có Then nói chung hiện nay đang được thực hiện rất tốt thông qua chính các hoạt động tín ngưỡng và các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính. Nhờ thế mà chúng ta có một di sản dày dặn và đã được UNESCO công nhận.

Ngay sau khi đón nhận Bằng ghi danh, Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ có cam kết đảm bảo Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được bảo tồn, lưu giữ và phát triển tốt nhất. Các địa phương có di sản cũng sẽ xây dựng các giải pháp cụ thể để tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan, như chính sách cho các nghệ nhân, truyền dạy, chính sách hỗ trợ cho các câu lạc bộ...

Cùng với đó, Liên hoan Hát Then - đàn Tính toàn quốc sẽ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ 3 năm/lần,  đảm bảo thực hành Then có được môi trường nuôi dưỡng, phát triển và tìm được lớp người kế cận tốt nhất, hiệu quả nhất.


Đồng chí Nguyễn Văn Chương,
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể. Tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động để nhân dân, nghệ nhân, thế hệ trẻ hiểu rõ và tự hào về giá trị của Di sản Then, từ đó cùng chung sức gìn giữ, bảo tồn. Tỉnh quan tâm lựa chọn địa bàn trọng điểm để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Xây dựng kế hoạch sưu tầm các tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến Di sản Then. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác quản lý di sản văn hóa ở cơ sở.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện chế độ, chính sách đối với các nghệ nhân dân gian đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, những người đang nắm giữ tri thức về Di sản Văn hóa phi vật thể về Then Tày tại địa phương. Tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, quan tâm xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian; bố trí kinh phí thỏa đáng đối với các hoạt động liên quan đến bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể.


Đồng chí Tô Thị Trang,
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng

Việc gìn giữ Nghi lễ Then chính là để giới thiệu quảng bá về hình ảnh con người Cao Bằng cho du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch tỉnh. Vì vậy, công tác bảo tồn Nghi lễ Then có ý nghĩa rất quan trọng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có những giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa dân tộc; xác định, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, tỉnh tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ, tổ chức hội thảo khoa học góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ         hội nhập, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống cho cán bộ huyện, xã, phường, cán bộ làm công tác sưu tầm nghiên cứu, quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; mời các nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ, các nhạc cụ dân gian cho con em các dân tộc…


Nhà văn Cao Duy Sơn,
Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam

Tuyên Quang đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Việc UNESCO vinh danh Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định điều đó. Nghi lễ Then tác động sâu sắc đến đời sống, tạo động lực cho con người sống có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với thiên nhiên. Then cũng là ngọn nguồn của thi ca, bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Hiện nay, Tuyên Quang đã xây dựng được các câu lạc bộ Then trong cộng đồng dân cư, đây là yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng Then sống mãi. Các câu lạc bộ Then, nghệ nhân Then tham gia biểu diễn phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua càng khẳng định giá trị của văn hóa truyền thống đối với cuộc sống mới hôm nay.

P.V

Tin cùng chuyên mục