Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

- Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu lao động tại xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đạt nhiều kết quả khả quan, mang lại thu nhập cao, mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho người dân trên địa bàn xã.

Từ sự nghiêm túc

Xã Vinh Quang nằm cách thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) 7 km, xã có 16 thôn, chủ yếu là dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng, Hoa cùng sinh sống. Nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu từ phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại.

Đồng chí Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết: Năm 2023, số thanh niên trong độ tuổi lao động của xã đi xuất khẩu lao động mới là 30 người, đến nay, số người đi xuất khẩu lao động của xã đã lên tới 273 người đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức.

Đến Vinh Quang hôm nay, điều ấn tượng hơn cả là những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại đang hiện diện ngày càng nhiều, những cơ ngơi khang trang này phần lớn đều do những người đi xuất khẩu lao động gửi tiền về để người thân xây mới nhà cửa.

Ngày càng nhiều nhà xây tại thôn Soi Đúng, xã Vinh Quang.

Chị Hoàng Thị Nhật, thôn Soi Đúng, xã Vinh Quang đi xuất khẩu lao động tại tỉnh Aichi (Nhật Bản) từ năm 2015 cho biết, hai vợ chồng chị cùng đi Nhật, anh chị có 1 bé gái 9 tuổi hiện đang ở với ông bà nội, anh làm cơ khí, chị đóng gói rau củ quả. Mỗi ngày, chị làm việc 8 giờ, 1 tuần nghỉ 1 ngày chủ nhật. Mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, chị có thể tích lũy được 30 triệu đồng gửi về cho gia đình.

Chị Nhật bảo, điều kiện sống, sinh hoạt ở Aichi rất an toàn, quan trọng hơn, chị được đóng bảo hiểm 2,5 triệu/1 tháng, sau này về nước sẽ được nhận lại toàn bộ tiền bảo hiểm. Cùng với đó, ở Nhật có tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động nước ngoài, mọi vấn đề khúc mắc, người lao động đều có thể liên hệ, để được hỗ trợ giải quyết, vì vậy người lao động rất yên tâm tập trung làm việc. Ngồi trong ngôi nhà bố mẹ chồng mới xây, chị Nhật vui vẻ giới thiệu, người Nhật Bản không làm nhà quá rộng đâu, với họ làm vậy là lãng phí. Họ làm vừa đủ rộng, nhưng hợp lý, bảo đảm khai thác, phát huy tối đa công năng sử dụng, không dư thừa. Chị rất thích nét văn hóa này của người Nhật...

Cũng đi xuất khẩu lao động 2 năm ở Nhật về, anh Đào Văn Hiếu, thôn Tân Quang bảo, xác định đã đi xuất khẩu là phải lao động thực sự, nghiêm túc, vì vậy, ngoài 8 giờ làm theo quy định, anh xin làm thêm giờ, xin tăng ca, bốc xếp hàng hóa, tranh thủ làm thêm nhiều việc để kiếm tiền, trở về quê có vốn để đầu tư làm ăn. Với hơn 1 tỷ đồng tích lũy được, hiện anh đang mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi gia súc. Năng động hơn, anh còn phụ giúp Công ty tư vấn xuất khẩu lao động của người chị gái mở 1 lớp học tiếng Nhật tại địa phương, mời giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy, duy trì lớp tiếng Nhật thường xuyên cho từ 8 - 10 lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động trên địa bàn xã.

Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Thôn Tân Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) là một trong những thôn có tỷ lệ lao động đi xuất khẩu cao nhất xã. Thôn có 125 hộ gia đình, 562 nhân khẩu thì có tới trên 30 lao động đang đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở thị trường Nhật Bản và Đài Loan. Ông Đào Văn Hòa, Trưởng thôn Tân Quang cho biết, các đơn vị tư vấn cho lao động trong xã đi xuất khẩu theo con đường chính ngạch, nên người dân trong thôn rất yên tâm, vì quyền lợi, điều kiện làm việc được bảo đảm, hạn chế nhiều nhất những rủi ro, nguy hiểm.

Ông Hòa bảo, ngay như gia đình ông cũng có đến 5 người đang lao động bên Nhật, vì thu nhập, rõ ràng cao hơn trong nước, chỉ cần có sức khỏe, chăm chỉ, chấp hành tốt kỷ luật là hoàn toàn có thể làm giàu chính đáng từ hướng đi này. Chia sẻ suy nghĩ đó, ông Hoàng Văn Dũng, bố chị Hoàng Thị Nhật tâm sự: "Tôi luôn động viên các con nỗ lực, cố gắng làm việc tốt, có thu nhập cao, mai này về nước có thể tự chủ cuộc sống của mình".

Gia đình anh Ma Văn Hợi, thôn Soi Đúng từ năm 2018 đã vay gần 200 triệu đồng cho người con trai đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau 1 thời gian làm công việc chế biến thực phẩm, thấy mang lại thu nhập cao, con trai cả của anh về nước làm thủ tục đưa em sang Nhật kiếm sống. Với số tiền 2 con gửi về, anh chị đã vừa hoàn thiện ngôi nhà khang trang, bề thế.

Có thể thấy việc đi xuất khẩu lao động thực sự là một cơ hội tốt, mở ra hướng đi mới hiệu quả, giúp thay đổi tích cực cuộc sống của người dân. Thu nhập từ xuất khẩu lao động đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ gia đình xây mới được nhà cửa to đẹp, mua sắm được nhiều tài sản có giá trị, có của ăn, của để. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã hiện còn 8%.

Thời gian tới, để đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động, chính quyền xã sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động uy tín, chất lượng, hạn chế tối đa những thông tin sai lệch để người dân có nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả trong công tác này - Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Phạm Văn Cầu nhấn mạnh. 

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục