Tuyến đường nông thôn xã Bình Nhân - Kim Bình đang trong quá trình hoàn thiện.
Chiêm Hóa có hơn 134 nghìn nhân khẩu, trong đó có hơn 70% dân số là người DTTS. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong năm 2022 và 2023, huyện Chiêm Hóa được bố trí trên 258 tỷ đồng, thực hiện 10 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu... Đến nay, các dự án đã và đang được triển khai thực hiện đúng tiến độ, đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua các dự án hỗ trợ, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân, đặc biệt là người DTTS có sự thay đổi rõ rệt.
Đồng chí Đồng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình, xã đã tập trung mọi phương tiện, thiết bị và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn. Theo đó, thực hiện Dự án 4 về “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và đơn vị sự nghiệp công lập”, xã đã được đầu tư xây dựng các công trình: Kè sạt lở Thác Khún, nhà lớp học điểm Khuôn Thẳm, đường bê tông Nà Lang, nhà công vụ giáo viên trường tiểu học.
Ngoài ra, Nhân dân trong xã còn được thụ hưởng các dự án khác, như: hỗ trợ 80 téc nước, hỗ trợ kinh phí xây dựng 13 nhà ở; thực hiện mô hình trồng ớt, lạc đỏ. Hiện nay, xã đang triển khai thực hiện 4 công trình, trong đó có 2 công trình thuộc nguồn vốn năm 2022 và 2 công trình thuộc nguồn vốn năm 2023, bao gồm: nhà công vụ cho giáo viên, đường giao thông, công trình nhà lớp học thôn Khuân Thẳm, hỗ trợ phát triển trồng ớt, lạc đỏ… Các công trình, dự án cơ bản đang được triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Thôn Ón Cáy, xã Tân Mỹ có 37 hộ dân tham gia tổ liên kết trồng ớt, với diện tích trên 3,6 ha. Bà Quân Thị Nhu, Trưởng thôn Ón Cáy cho biết, tham gia mô hình này, bà con được hỗ trợ giống, phân bón, nilon và được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt là được ký kết bao tiêu sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định vì vậy người dân rất yên tâm sản xuất. Hiện tại toàn bộ diện tích ớt của tổ liên kết đều đang phát triển tốt bắt đầu ra hoa, đậu quả hứa hẹn cho năng suất cao.
Công trình kè sạt lở Thác Khún, xã Tân Mỹ được đầu tư xây dựng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đồng chí Đồng Văn Hà, ngay khi được phân bổ nguồn vốn, xã đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về các nội dung của Chương trình MTQG 1719 tới toàn thể bà con nhân dân trong xã nắm được. Đồng thời, khi thực hiện các hợp phần dự án, xã đều tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, nhờ đó các nội dung triển khai đều được bà con đồng thuận cao. Nhiều dự án, hợp phần hỗ trợ cho bà con đồng bào DTTS phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về nhà ở... đã giúp cho bà con trên địa bàn có nhà kiên cố, hạ tầng giao thông, kinh tế phát triển.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, xã Tri Phú đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tri Phú với 12 phòng, trong đó 6 phòng học bộ môn và 6 phòng chức năng. Tháng 9 vừa qua, công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đây là điều kiện quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của địa phương. Ngoài ra, từ chương trình, trong năm 2022, xã cũng được đầu tư xây dựng trên 4.000 m đường giao thông và 1 cầu đường giao thông nông thôn...
Ông Lý Văn Khình, thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú chia sẻ: “Được Nhà nước quan tâm đầu tư tuyến đường giao thông nông thôn, người dân trong xã nói chung và Nhân dân thôn Khuôn Làn nói riêng rất vui mừng. Có tuyến đường mới rộng rãi không chỉ thuận lợi cho người dân trong giao thương mà các cháu học sinh đi học cũng dễ dàng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con nuôi nhiều lợn, nhiều trâu để cuộc sống bà con ngày khấm khá hơn”.
Từ nguồn vốn hỗ trợ qua các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đã giúp các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Chiêm Hóa từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chương trình đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết