Nguyệt thực toàn phần tháng 5 có thể quan sát từ châu Mỹ, châu Nam Cực, khu vực phía tây của châu Âu và châu Phi, và vùng phía đông Thái Bình Dương.
Trong khi đó, người dân ở New Zealand, Đông Âu và Trung Đông sẽ quan sát được nguyệt thực nửa tối khi chỉ có phần rìa của bóng Trái đất đổ lên Mặt trăng.
Theo trang TimeandDate.com, nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu lúc 9 giờ 28 phút ngày 16/5 (giờ Hà Nội) và đạt cực đại vào 11 giờ 11 phút cùng ngày. Hiệu ứng nguyệt thực toàn phần đó có thể khiến Mặt trăng chuyển màu đỏ, còn được gọi là “Trăng Máu”. Hiện tượng này sẽ kết thúc lúc 12 giờ 55 phút.
Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu sớm hơn khoảng một giờ và kết thúc muộn hơn khoảng một giờ so với nguyệt thực một phần.
Nguyệt thực xảy ra khi Trái đất nằm giữa Mặt trời và Mặt trăng trên cùng một đường thẳng, khiến Mặt trăng bị bóng của Trái đất phủ lên. Có 3 loại nguyệt thực gồm: nửa tối, một phần và toàn phần.
Trong hiện tượng nguyệt thực nửa tối, Mặt trăng đi qua rìa ngoài của bóng Trái đất (penumbra) và bề mặt Mặt trăng chỉ mờ đi một chút. Nguyệt thực một phần xảy ra khi một phần của Mặt trăng đi vào vùng tối nhất của bóng Trái đất (umbra), khiến phần đó tối đi đáng kể. Nguyệt thực toàn phần là khi toàn bộ Mặt trăng tiến vào vùng umbra.
Nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 8/11 năm nay và có thể quan sát từ châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Á.
Gửi phản hồi
In bài viết