Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, đây là lần đầu tiên nước này triển khai các hoạt động thám hiểm và nghiên cứu khoa học ở độ cao hơn 8.000m so với mực nước biển, đồng thời lập nhiều kỷ lục mới, có ý nghĩa nổi bật trong nghiên cứu khoa học trên cao nguyên Thanh Tạng.
Trong lần chinh phục đỉnh Everest lần này, các nhà khoa học Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ lắp đặt trạm khí tượng tự động cao nhất trên thế giới so với mực nước biển sau quá trình chuẩn bị kéo dài nhiều tháng.
Ông Triệu Hoa Tiêu, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu cao nguyên Thanh Tạng thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, việc xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng theo các bậc thang độ cao của đỉnh Everest có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc giám sát biến đổi của sông băng cũng như lớp tuyết bao phủ.
Từ năm ngoái đến nay, nhóm nghiên cứu khoa học Trung Quốc đã lần lượt lắp đặt 7 trạm khí tượng tự động ở các độ cao từ 5.200m đến 8.300m, cộng với trạm khí tượng tự động ở độ cao 8.830m lắp đặt lần này, hình thành một hệ thống quan trắc khí tượng với 8 độ cao khác nhau trên "nóc nhà thế giới".
Ngoài nhiệm vụ lắp đặt trạm khí tượng, trong ngày 4/5, các nhà khoa học Trung Quốc cũng lần đầu tiên sử dụng radar có độ chính xác cao để đo độ dày của băng tuyết trên đỉnh Everest.
Ông Diêu Đàn Đống, Viện sĩ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhiệm vụ quan trắc và lấy mẫu lần này đã hoàn thành. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thám hiểm và nghiên cứu khoa học trên đỉnh Everest trong thời gian tới.
Trung Quốc bắt đầu triển khai các hoạt động thám hiểm và nghiên cứu khoa học trên đỉnh Everest từ những năm 50 của thế kỷ trước. Lần chinh phục đỉnh Everest này đã hoàn thành các nhiệm vụ tổng hợp với nhiều lĩnh vực nghiên cứu nhất, số lượng người tham gia đông nhất và trang thiết bị nghiên cứu hiện đại nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết