Mong muốn của người dân
Ông Đoàn Văn Ân (sinh năm 1960, là con thứ 7 trong gia đình) ở tổ 1, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) than phiền, gia đình ông vừa làm hồ sơ thừa kế tài sản của bố mẹ đẻ để lại nhưng không có di chúc. Ra văn phòng công chứng, được biết tài sản liên quan đến chủ đất đã chết và không có di chúc để lại thì ngoài các con được hưởng còn liên quan đến bố mẹ đẻ của chủ sử dụng đất (tức ông bà nội và ông bà ngoại của ông Ân).
Nếu ông bà còn sống thì phải có căn cước công dân, nếu chết thì phải có chứng tử hoặc xác nhận của chính quyền địa phương là đã chết. “Trong khi đó, bố đẻ của tôi sinh năm 1919, mẹ đẻ sinh năm 1920, nếu tính ra tuổi, lần lượt là 105 tuổi và 104 tuổi. Bố mẹ đẻ của tôi đã hơn 100 tuổi rồi thì ông bà nội và ông bà ngoại của tôi còn nhiều tuổi hơn nữa, mà sinh mạng của con người thì khó sống thọ được đến thế. Tôi mong rằng cơ quan Nhà nước xem xét cắt giảm bớt các giấy tờ chứng minh ông bà nội, ông bà ngoại của tôi đã chết như trường hợp của gia đình tôi” - ông Ân nói.
Còn bà Nguyễn Thị Mùi, tổ 1, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Bất kỳ ai trong đời cũng có vài ba lần đi làm thủ tục giấy tờ và khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi bởi phải chờ đợi vất vả. Điều này càng trở nên khó khăn với những người không rành về dịch vụ công điện tử, ít hiểu biết về Luật Đất đai như bà.
Cá nhân bà vừa làm thủ tục thay đổi chữ “hộ” trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho tặng tài sản cho con. Do không hiểu biết, bà phải đi lại khá nhiều mới chuẩn bị đủ hồ sơ. Mỗi thủ tục cần hoàn thiện nhiều giấy tờ khác nhau, đi lại vài ba lần, được phát phiếu hẹn, rồi về nhà thấp thỏm chờ đợi.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng... Chị Nguyễn Thị Mến, thôn 4, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) cho biết, cuối năm 2023 chị làm thủ tục tặng cho đất, theo giấy hẹn nộp vào cơ quan Nhà nước chỉ 10 ngày, nhưng thực tế phải mất hơn 3 tháng mới được nhận kết quả.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chị Tạ Thùy Giang, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết: Để được vay vốn tiêu dùng của ngân hàng qua lương của chồng chị, chị phải có đơn đề nghị (lấy chữ ký của cả vợ hoặc chồng), căn cước công dân của vợ, của chồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký kết hôn, quyết định nâng lương hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi làm việc…
Mặc dù thu nhập của chồng chị đã được thanh toán qua tài khoản ngân hàng, chị đã ra ngân hàng để sao kê thu nhập hàng tháng để chứng minh nhưng vẫn phải nộp thêm các quyết định nâng lương, nâng bậc hoặc xác nhận của cơ quan nơi làm việc. Khi cầm hợp đồng vay vốn thì các điều khoản, điều lệ hợp đồng dài gần chục trang giấy và có nhiều nội dung, điều khoản mà chị cũng khó lòng hiểu hết. Chị biết các giấy tờ Ngân hàng yêu cầu cung cấp là đúng luật nhưng vẫn cảm thấy rất mệt khi phải chuẩn bị hàng loạt giấy tờ chứng minh. Mong sao thủ tục vay vốn ngày càng đơn giản, gọn nhẹ hơn.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Trước những phản ánh của người dân, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát để đơn giản, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Đồng thời tăng cường số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ đối với cán bộ công chức, viên chức; công khai danh sách các cán bộ, công chức làm chậm, trễ hẹn giải quyết hồ sơ…
Ngày 19/1/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, các cơ quan, đơn vị triển khai rà soát, đánh giá, kiến nghị phương án đơn giản hóa đối với 44 quy định, thủ tục hành chính tại 19 lĩnh vực gồm: Người có công, bảo trợ xã hội, an toàn vệ sinh lao động, quản lý lao động ngoài nước, lao động, tiền lương, văn bằng, chứng chỉ, giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quản lý công sản, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, đường bộ, quốc tịch, lâm nghiệp…
Kết quả thống kê trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang, tính từ ngày 15/12/2023 đến giữa tháng 3-2024, tổng số hồ sơ TTHC toàn tỉnh đã tiếp nhận 84.063 hồ sơ. Số lượng hồ sơ đã giải quyết 77.331 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn là 77.038 hồ sơ, quá hạn là 293 hồ sơ. Còn lại là hồ sơ đang giải quyết. Đối với các hồ sơ bị quá hạn đều có thư xin lỗi của cơ quan, đơn vị tới người dân, tổ chức.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, để đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Trung tâm đã không ngừng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; tích hợp toàn bộ dữ liệu về thủ tục hành chính công lên phần mềm một cửa điện tử liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động và triển khai thực hiện các giao dịch điện tử. Qua đó góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Gửi phản hồi
In bài viết