Kịp thời khắc phục những hạn chế
Trên cơ sở đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2023, tỉnh Tuyên Quang có 3 chỉ số thành phần xếp ở vị trí cao so với các tỉnh, thành phố gồm: Cải cách chế độ công vụ xếp thứ 03/63, Cải cách thể chế 04/63, Cải cách tổ chức bộ máy xếp thứ 07/63. Tỉnh có 6 chỉ số thành phần tăng vị trí thứ tự so với năm 2022 gồm: Cải cách thể chế tăng 4 bậc, từ vị trí thứ 8 lên thứ 4; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tăng 1 bậc, từ vị trí thứ 45 lên thứ 44; Cải cách tổ chức bộ máy tăng 4 bậc, từ vị trí thứ 11 lên thứ 7; Cải cách tài chính công tăng 13 bậc, từ vị trí thứ 41 lên thứ 28; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 18 bậc, từ vị trí thứ 56 lên thứ 38; Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tăng 19 bậc, từ vị trí thứ 51 lên thứ 32.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh xử lý hồ sơ trực tuyến của doanh nghiệp và người dân.
Từ kết quả trên cho thấy, công tác CCHC được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. CCHC của tỉnh ngày càng hiệu quả hơn, nhất là kỷ luật, kỷ cương hành chính và chấp hành các quy định về đạo đức, công vụ, văn hóa công sở đã ngày càng đi vào nền nếp. Tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác CCHC, thực hiện kiểm tra các sở, ban, ngành, các đơn vị cấp huyện và đơn vị cấp xã. Qua kiểm tra đã đánh giá kết quả đạt được, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế được chỉ ra góp phần thực hiện có hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm, quyết liệt của UBND tỉnh trong công tác CCHC đã đem lại hiệu quả tích cực.
Công tác CCHC cũng được ghi nhận nhiều sáng kiến, cách làm mới hiệu quả như, trong đó có 2 sáng kiến được Bộ Nội vụ cũng đã công nhận là sáng kiến, giải pháp mới trong công tác CCHC của tỉnh, đó là Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang; xây dựng Phần mềm số hóa kết quả giải quyết TTHC, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, còn có các giải pháp như tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố bằng hình thức trực tuyến; xây dựng triển khai thực hiện thư viện số tỉnh Tuyên Quang...
Cần sự sâu sát, quyết liệt của người đứng đầu
Trên cơ sở công bố Chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ, tỉnh Tuyên Quang có 19 tiêu chí, tiêu chí thành phần trừ điểm với số điểm bị trừ. Trong đó thứ hạng và điểm chỉ số cải cách TTHC của tỉnh mặc dù có tăng nhưng vẫn đạt ở mức thấp, cụ thể là đứng ở vị trí 44/63 và vẫn còn nhiều điểm trừ. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, sự tác động của công tác CCHC đến với người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, liên quan đến cải cách TTHC việc công khai, cập nhật quy định TTHC thực hiện chưa đạt yêu cầu, chưa đầy đủ, kịp thời tại Bộ phận một cửa các cấp. Trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh việc công khai, cập nhật TTHC không đầy đủ các quy định, TTHC mới, vẫn còn tình trạng dẫn chiếu đến các quy định đã hết hiệu lực thi hành. Điển hình như một số TTHC về Lưu thông hàng hóa trong nước, đối với thủ tục Cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá đã hết hiệu lực thi hành. Trong năm, hồ sơ TTHC do cơ quan chuyên môn còn tới 6.132 hồ sơ quá hạn, thường tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Năm 2023, Chỉ số Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đã được cải thiện đáng kể tăng 18 bậc, tuy nhiên vẫn còn nằm ở vị trí khá thấp 38/63. Qua đánh giá công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của tỉnh vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tỉnh chưa triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức chưa đạt 100%; tỷ lệ kết nối chế độ báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu của tỉnh với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ đạt 3/4 chỉ tiêu; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, thực hiện thanh toán trực tuyến chưa đạt theo yêu cầu.
Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chỉ số này mặc dù đã tăng tới 19 bậc so với năm 2022 nhưng vẫn đạt thấp đứng thứ 32/63. Chỉ số này phản ánh rõ số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường còn thấp (371/399). Tuyên Quang nằm thuộc nhóm 13 địa phương có giá trị thu ngân sách nhà nước thấp nhất cả nước (xếp thứ 57/63 địa phương).
Các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại các hội nghị về CChc đã chỉ ra rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong CCHC vẫn là người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; chưa gắn với trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện. Một số cơ quan, đơn vị được giao phụ trách các lĩnh vực chưa tích cực đề xuất, theo dõi sát sao và báo cáo các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực phân công phụ trách. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tổ chức, triển khai CCHC chưa đồng bộ, chặt chẽ...
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thì cho rằng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả chưa cao; trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế nên còn xảy ra tình trạng giải quyết TTHC trễ hẹn. Để công tác CCHC đi vào thực chất thì người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị phải đối chiếu những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện.
Gửi phản hồi
In bài viết