Đơn hàng tới tấp đến với doanh nghiệp dệt may.
Đơn hàng dồi dào
Sau những khó khăn về đơn hàng, đầu ra cho sản phẩm, những tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp dệt may đang quay lại guồng sản xuất khi nhận được nhiều đơn hàng. Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2021 đã chuyển biến rất tích cực. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm may xấp xỉ 300 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2021, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thanh toán đạt hơn 12 triệu USD, đạt 40% kế hoạch năm, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020.
“Để đáp ứng đơn hàng, các nhà máy của công ty cũng đã thực hiện rất tốt các giải pháp tăng năng suất lao động, doanh thu gia công mỗi nhà máy đạt tới ngưỡng 12 tỷ đồng/tháng, cao nhất từ trước đến nay, năng suất lao động bình quân đạt trên 25 USD/người/ngày. Công ty đã tiếp nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6, một số nhà máy đã nhận được đơn hàng đến hết tháng 8 của khách hàng Kohl’s, Target, Perry Ellis… Doanh nghiệp đang phấn đấu doanh thu quý II đạt tương đương 25% kế hoạch năm”, ông Nguyễn Văn Phong phấn khởi cho hay.
Bức tranh sáng của Công ty CP Dệt May Huế cũng là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, trong bốn tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cũng đang cho thấy sự phục hồi. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,5 tỷ USD; Xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%, đạt 1,64 tỷ USD; Nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 14,1%, đạt 642 triệu USD. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản vẫn là thị trường tiêu thụ chính của ngành. Đáng lưu ý, hiện nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 3-2021, thậm chí hết năm.
Không chỉ sở hữu nhiều đơn hàng, phân tích của nhiều chuyên gia ngành dệt may cho thấy, dệt may Việt Nam đang có ưu thế trên một số thị trường xuất khẩu lớn. Tại thị trường EU, năm 2020, giá trị của 100 kg áo T-shirt cotton sản xuất tại Bangladesh đã giảm 1% so với năm 2019 xuống còn 1.091,5 Euro, sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam tăng giá 3%, đạt 2.157,9 Euro; giá trị của 100 kg áo thun cotton của phụ nữ hoặc trẻ em gái sản xuất tại Bangladesh giảm 7%, xuống còn 1.329,5 Euro, còn của Việt Nam không thay đổi ở mức 2.157,8 Euro. Tại thị trường Mỹ, giá 1 tá áo thun cotton Bangladesh giảm 20% vào năm 2020, xuống còn 17,99 USD, Việt Nam giảm 17% xuống còn 31,9 USD; giá áo len chui đầu của Bangladesh giảm 2%, còn Việt Nam vẫn ổn định ở mức 46,9 USD.
Đơn hàng dồi dào, kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu đã giúp dệt may Việt Nam dần hồi phục với xuất khẩu tăng trưởng theo từng tháng. Cũng đồng thời chứng tỏ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới. Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.
Chưa hết lo
Đơn hàng dồi dào, sản xuất sôi nổi tuy nhiên doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn đang rất lo lắng. Ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ, quý 2 thuộc giai đoạn chuyển mùa, cùng đó là sự thay đổi về giá, cơ cấu đơn hàng, chủng loại sản phẩm, tỷ lệ đơn hàng FOB giảm. Do vậy, doanh thu tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với quý 1.
Với Tổng công ty May 10 - CTCP, ngoài nỗi lo giảm năng suất và doanh thu do phải chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng dệt kim để bù đắp sự thiếu hụt của mặt hàng truyền thống như sơ mi, veston, quần âu. May 10 còn đang rất khó tuyển bổ sung thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng cho quý 2-2021 và mục tiêu doanh thu cả năm.
Trên thực tế, thiếu lao động đang là nỗi lo lớn của doanh nghiệp dệt may thời điểm hiện tại, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020, do không có đơn hàng, một số doanh nghiệp phải giãn, dừng sản xuất khiến lao động mất hoặc bỏ việc do thu nhập không bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng dồi dào, sản xuất đã sôi động trở lại thì doanh nghiệp lại không tuyển đủ lao động. “Nhiều khách hàng yêu cầu tăng sản lượng nhưng số lượng lao động tăng theo không kịp khiến doanh nghiệp khó khăn trong đáp ứng đơn hàng”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
Doanh nghiệp cũng khá vất vả trong tuyển dụng lao động mới. Nguyên do, một phần người lao động sau khi nghỉ việc đã tìm được công việc mới ở địa phương. Một số dự án mới, khu công nghiệp mới được mở ra cũng đã hút đáng kể số lượng lao động. Giải pháp trước mắt đang được doanh nghiệp dệt may trong nước thực hiện là tuyển dụng lao động tay nghề thấp, thậm chí không có tay nghề để vừa sản xuất, vừa đào tạo nhằm giải quyết các đơn hàng.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, sự ổn định của lao động rất quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện tại ngành dệt may đang có cơ hội hồi phục sản xuất. Các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục thực hiện kết hợp nhiều biện pháp giữ chân người lao động. Trong đó, bảo đảm việc làm ổn định, duy trì lương thưởng và các quyền lợi về bảo hiểm y tế đầy đủ, không nợ lương, thưởng… là giải pháp tiên quyết. Ngoài ra, các biện pháp như chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề, quan tâm và nâng cao chất lượng từng bữa ăn của người lao động cũng khiến công nhân gắn bó với doanh nghiệp hơn.
Ông Phạm Xuân Hồng đồng tình, xây dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, trong đó quan tâm chăm lo cho cuộc sống của người lao động là yếu tố hàng đầu giúp người lao động thấu hiểu và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Cải tiến các khâu sản xuất, quản lý để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Về dài hơi, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị công nghệ tự động nhằm giảm số lao động thủ công, đồng thời nâng cao năng lực đáp ứng thời gian giao hàng ngày một ngắn và khắt khe của đối tác.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên xuất khẩu tăng trưởng liên tục qua các tháng là dấu hiệu tốt, báo hiệu khả năng hồi phục của ngành dệt may. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 khả quan và có thể hoàn thành kế hoạch 39 tỷ USD đã đề ra.
Tuy vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn khuyến cáo doanh nghiệp dệt may trong nước tránh chủ quan, cần bám sát thay đổi của thị trường, điều chỉnh sản xuất kịp thời, tăng cường tìm kiếm đơn hàng mới. Song song với đó, nỗ lực hướng sản xuất tới phát triển bền vững bằng cách sử dụng các giải pháp xanh.
Gửi phản hồi
In bài viết