Đón Tết cùng trẻ

- Tết đến, xuân về trẻ em ai cũng mong chờ và háo hức. Đây cũng là dịp để ông bà, cha mẹ và thầy cô dạy trẻ những phong tục đẹp về Tết cổ truyền của dân tộc, dạy trẻ hướng về với cội nguồn khi mỗi mùa xuân mới trẻ từng bước trưởng thành.

Dạy trẻ những phong tục đẹp

Cuộc sống càng hiện đại thì việc giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc càng trở nên cần thiết. Tết cổ truyền bao gồm trong đó nhiều phong tục đẹp, nhân văn mà những thế hệ đi trước có trách nhiệm và vai trò gìn giữ, đồng thời trao truyền lại cho thế hệ sau. Trong những ngày Tết cổ truyền có rất nhiều phong tục đẹp mà gia đình nào cũng gìn giữ và cùng con trẻ tham gia. Đó là phong tục gói, nấu bánh chưng cùng ông bà, cha mẹ; dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, cùng với gia đình đi chọn cành đào Tết, mua sắm bánh kẹo, đồ lễ để thắp hương, cúng đêm giao thừa, trang trí mâm ngũ quả. Tết là dịp để gia đình sum vầy, quây quần bên nhau trong không khí đầm ấm, bởi vậy việc dạy trẻ biết cách chúc Tết, nhận tiền mừng tuổi, chào hỏi khách đến chơi nhà trong ngày Tết cũng được nhiều gia đình quan tâm.

Anh Nguyễn Thìn, tổ 2, thị trấn Na Hang (Na Hang) cho biết, mỗi dịp Tết, khi gia đình chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh chưng, anh đều hướng dẫn các con tham gia. Từ khâu chuẩn bị lá dong, gạo nếp, thịt lợn cho tới cách gói bánh chưng sao cho vuông vắn... anh đều hướng dẫn tỉ mỉ. Qua những lần gói bánh chưng Tết, anh còn dạy cho các con mình biết về ý nghĩa của phong tục gói bánh chưng. Trong những ngày Tết, anh còn chuẩn bị cho các con mình những bộ áo dài cách tân để hướng các con về những nét đẹp truyền thống. Tết năm nào, gia đình anh cũng quây quần để khai bút đầu năm, cùng viết ra những câu thơ chúc Tết cha mẹ, ông bà hai bên nội ngoại.


Trẻ học khai bút đầu xuân.

Nhiều gia đình đã chú trọng cách dạy trẻ biết dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sắm Tết cùng ông bà, cha mẹ, chuẩn bị lễ cúng trong đêm giao thừa. Trong đêm giao thừa, trẻ em háo hức được thức cùng với gia đình, chờ đón khoảnh khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới. Em Cao Nguyễn Hương Giang, lớp 5A3, trường Tiểu học Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cho biết, trước Tết, em được cùng cha mẹ đi thả cá chép, tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời. Em được hiểu hơn về phong tục cúng ông Công, ông Táo trong mỗi gia đình. Trước đêm giao thừa, em thường giúp mẹ bày mâm ngũ quả, chuẩn bị những lời chúc tốt đẹp nhất để chúc cha mẹ khi năm mới sang. Đối với Hương Giang, mỗi cái Tết qua đi em đều thấy ý nghĩa vì em được sống trong những phong tục truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Hướng về cội nguồn

Cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, Tết là dịp để các thầy cô giáo dạy cho trẻ tìm về những giá trị truyền thống, tìm về cội nguồn để sống có ích hơn trong hiện tại. Do đó, Tết năm nào nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động để trẻ tham gia vừa tạo không khí đón xuân vui tươi, lành mạnh vừa giáo dục trẻ biết yêu gia đình, quê hương. Đó là dạy trẻ biết trang trí cây nêu ngày Tết, tổ chức cho trẻ thi khâu còn, chơi tung còn, đánh pam, đánh yến... Cây nêu rất có ý nghĩa trong phong tục đón Tết của mỗi gia đình người Tày. Quả còn hay các trò chơi dân gian cũng đều là những nét văn hóa đẹp trong phong tục của người Tày dịp đầu xuân.

Chị Nguyễn Thị Tố Hương, xóm Hòa Bình, xã Đội Bình (Yên Sơn) cho biết, ai cũng thích Tết và mong Tết đến nhất chính là các em nhỏ. Bởi vậy, mỗi dịp Tết đến, chị thường kể cho các con nghe về truyền thống, nguồn cội của gia đình, nhớ và biết ơn công lao chăm sóc, nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ.

Học sinh cơ sở Mầm non tư thục Ban Mai Xanh tham gia hoạt động trải nghiệm “Gói bánh chưng ngày Tết”.  Ảnh: Gia Hưng

Trước Tết, gia đình chị thường cùng các con tổ chức về quê thăm, biếu quà Tết ông, bà nội, ngoại. Đồng thời mừng tuổi cho người cao tuổi trong gia đình. Chị dạy các con trong những ngày Tết ngoài đi chúc Tết những người thân trong gia đình còn phải chúc Tết thầy, cô. Đối với những người thân ở xa, chị thường dạy các con gọi điện hỏi thăm việc sắm Tết và không quên gửi lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới.

Cháu Trần Đức Phương, 10 tuổi, con trai của chị Hương cho biết, mỗi dịp Tết đến, xuân về, Phương luôn nghĩ về ông, bà, cha, mẹ và thầy cô - những người đã nuôi dưỡng em. Bởi vậy, trước Tết, em đã tự tay chuẩn bị những tấm thiệp, bức tranh ghi những lời chúc Tết và gửi gắm ước nguyện tặng ông, bà, cha mẹ trong dịp Tết. Đối với Phương, mỗi dịp Tết, em như trưởng thành hơn khi được giáo dục, nhắc nhở phải biết ơn công lao của ông bà, cha mẹ, thầy cô.

Vừa qua, tại một số trường học trên địa bàn tỉnh như trường Tiểu học, THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) còn tổ chức chương trình Phiên chợ quê với nhiều hoạt động phong phú nhằm giáo dục học sinh những truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết như biết trao đi yêu thương và chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, phong tục gói bánh chưng, tìm hiểu các trò chơi dân gian... Cô giáo Trần Thanh Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chia sẻ, trong Phiên chợ quê vừa qua, nhà trường đã tổ chức cho học sinh trình diễn áo dài truyền thống, trang phục dân tộc, hội chợ quê giới thiệu các sản vật địa phương để gây quỹ khuyến học, tổ chức cho phụ huynh và học sinh chơi các trò chơi dân gian. Đặc biệt trong phiên chợ quê, nhà trường còn tặng 100 chiếc chăn ấm và 150 chiếc bánh chưng tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường và 5 trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Không khí Tết ngập tràn, lòng người phơi phới, hân hoan, mỗi chúng ta đừng quên giáo dục trẻ biết cách đón Tết cổ truyền của dân tộc một cách thật ý nghĩa để mỗi mùa xuân đến, trẻ càng thêm yêu gia đình, quê hương, đất nước và trân trọng những giá trị của cuộc sống.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục