Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Dự phiên bế mạc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương.
Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Thái Thu Xương, báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII.
Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội.
Đồng chí Thái Thu Xương thông tin, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, bầu 28 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch; bầu đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII.
Đại hội cũng bầu các đồng chí, gồm: Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu, Thái Thu Xương, Huỳnh Thanh Xuân, Nguyễn Xuân Hùng giữ chức Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ khóa XIII.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang được bầu làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023-2028
Đại hội cũng bầu Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII gồm 17 đồng chí và bầu đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Thay mặt 168 đồng chí vừa được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trân trọng cảm ơn đại hội đã tín nhiệm bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam giữa hai nhiệm kỳ đại hội.
Đại biểu biểu quyết, nhất trí thông qua những nội dung Đoàn Chủ tịch Đại hội báo cáo tiếp thu, giải trình Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, đây vừa là vinh dự to lớn, song cũng gắn với trọng trách nặng nề mà đại hội và cán bộ đoàn viên cả nước tin tưởng giao phó. Nhiệm kỳ 2023-2028, bên cạnh những thời cơ và nhiều thuận lợi, Công đoàn Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn như báo cáo trình đại hội đã chỉ rõ.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định, để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của đại hội và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đại hội đề ra, Ban Chấp hành sẽ kế thừa và tiếp tục phát huy những thành quả, kinh nghiệm qua các kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam; quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vượt mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và đoàn viên, người lao động cả nước giao phó. Thường xuyên học tập, rèn luyện, sâu sát với cơ sở, gần gũi với người lao động, xứng đáng là đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, người lao động.
Cũng trong chương trình, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý vào Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi bổ sung).
Hội nghị thảo luận, biểu quyết thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn với Đảng, Nhà nước.
Tối nay (3-12), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức mít tinh chào mừng thành công Đại hội Công đoàn Việt Nam khóa XIII.
Đề xuất 8 vấn đề lớn để bảo đảm hoạt động tổ chức Công đoàn và đời sống người lao động:
Thông qua Đại hội Công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được 445 ý kiến của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, lựa chọn 8 vấn đề lớn báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu dự Đại hội.
Đó là: Nhóm các kiến nghị liên quan việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công nhân, Công đoàn; nhóm các kiến nghị về việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn; nhóm các kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động.
Cùng với đó, kiến nghị Đảng và Nhà nước bảo đảm các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới; kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động; kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động; kiến nghị tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động; kiến nghị tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn…
Trong đó, CNVCLĐ và cán bộ công đoàn đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của người lao động và hoạt động công đoàn. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp người lao động được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ trong gần 40 năm đổi mới đất nước.
CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn kiến nghị Đảng và Nhà nước cần có sự đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng 4.0 cho công nhân; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội, hạn chế thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.
CNVCLĐ và cán bộ công đoàn kiến nghị Chính phủ huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám, chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc nghỉ hưu.
CNVCLĐ và cán bộ Công đoàn cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14): “Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”, hướng tới bảo đảm sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, bảo đảm hạnh phúc gia đình; nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước.
Gửi phản hồi
In bài viết