Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì hội thảo. Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự và phát biểu tham luận tại hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên - Lý luận và thực tiễn” tại Vĩnh Phúc là dịp để tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi, thảo luận, lắng nghe các ý kiến của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, kinh nghiệm thực tiễn của các tỉnh. Từ đó, làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên hiện nay.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung đã chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh: Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy Tuyên Quang luôn xác định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã chỉ đạo thực hiện đạt được một số kết quả quan trọng.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở của tỉnh.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ: Cấp ủy các cấp trong tỉnh thực hiện có hiệu quả việc đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết và các văn bản của cấp ủy Đảng nhằm tạo thuận lợi nhất cho quá trình triển khai, đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, Tỉnh ủy chỉ đạo việc ban hành nghị quyết, đề án phải lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, "lấy dân làm gốc”, không ban hành nghị quyết xa rời thực tiễn để bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo đó, Đảng bộ tỉnh ban hành có chọn lọc, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đã biến khát vọng, ý nguyện của người dân vào nghị quyết. Các nghị quyết đã được người dân tự nguyện thực hiện rất hiệu quả. Tiêu biểu như nghị quyết về phát triển kinh tế lâm nghiệp, đến nay, Tuyên Quang là thủ phủ của gỗ rừng trồng với gần 200.000 ha, thu hút nhiều công ty, nhà máy lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều nghị quyết ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân, còn tiến hành khảo sát, làm điểm rồi mới ban hành.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và đảng viên, tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những việc mới, việc khó cần sự chung sức, đồng lòng của nhân dân như xây dựng nông thôn mới, làm nhà cho hộ nghèo, giải phóng mặt bằng, hiến đất xây dựng hạ tầng...
Với phương châm “Đảng vì Dân, Dân tin Đảng” và gần dân để kết nối vạn dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra chủ trương cán bộ, đảng viên về cơ sở tham gia các hoạt động cùng với nhân dân để tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 1.800 lượt chi bộ, đảng bộ với trên 83.300 lượt cán bộ, đảng viên tham gia các hoạt động ở cơ sở. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh ở cơ sở, khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên xa rời nhân dân, xa rời cơ sở, củng cố chặt chẽ niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung tại hội thảo.
Mặc dù tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên trong năm 2022, tỉnh đã huy động các nguồn lực hỗ trợ làm mới và sửa chữa trên 2.460 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng.
Đồng chí Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung cũng chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi ủy, chi bộ, nhất là đội ngũ bí thư chi bộ. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư thuộc đảng bộ được phân công phụ trách, theo dõi và khu dân cư nơi cư trú, để kịp thời nắm bắt những khó khăn, hạn chế và những kiến nghị của cơ sở; việc ban hành và thực hiên Đề án số 16 về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ" và Chỉ thị số 01 về tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ.
Đồng chí cũng chia sẻ kinh nghiệm của Tuyên Quang trong việc thực hiện Quy định về giao việc đột phá, đổi mới cho các chức danh lãnh đạo, quản lý...
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang kiến nghị với Trung ương sớm thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để khuyến khích cán bộ chủ động, mạnh dạn trong thực hiện nhiệm vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết