Quang cảnh buổi làm việc.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vừa qua, tình hình kinh tế-xã hội đất nước có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt, đi cùng với đó có cả khó khăn, trong đó có liên quan hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; khẳng định Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn đồng hành cùng Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ; nêu rõ, tình hình trong nước bên cạnh thuận lợi thì cũng có khó khăn, thách thức; do đó chúng ta phải đồng hành để vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần “đồng hành thật”, “làm đến nơi đến chốn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.
Các doanh nghiệp hôm nay đều mong muốn đóng góp cho phát triển đất nước. Hiện nay, Chính phủ đang ưu tiên cho tăng trưởng vì đã kiểm soát được lạm phát, tập trung 3 động lực là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Vừa qua, vướng mắc gì, ở đâu thì các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan để tháo gỡ với tinh thần có trọng tâm, trọng điểm.
Sau cuộc họp này, Thường trực Chính phủ sẽ có kết luận về vấn đề này. Thủ tướng đề nghị tinh thần làm việc khẩn trương, đi thẳng vào vấn đề, lắng nghe ý kiến, góp ý cho nhau, phải ra được sản phẩm "cân, đong, đo, đếm", làm ra nhiều của cải vật chất cho nhân dân.
* Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay, đơn hàng sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao, điện vừa tăng giá (hiện tượng cắt điện ở một tỉnh phía bắc tạo nên tâm lý bất ổn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất), khó tiếp cận vốn… rất nhiều thách thức khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực sản xuất.
Điều đáng lo ngại là những khó khăn hiện nay hoàn toàn có thể khiến doanh nghiệp gục ngã trước khi có cơ hội phục hồi. Điều nguy hiểm hơn nữa là khi doanh nghiệp “gục ngã” thì người lao động sẽ không có việc làm và thu nhập, đây là vấn đề an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội kiến nghị: nhu cầu vay vốn đang nóng lên từng ngày và là vấn đề cấp thiết, rất cần được giải quyết ngay để đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh như mua thiết bị máy móc, bổ sung vốn lưu động và các lĩnh vực đầu tư khác của doanh nghiệp; kiến nghị thành lập ngay ở Trung ương Tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Tài chính làm Tổ phó, các thành viên là đại diện các bộ, ngành, tổ chức đại diện doanh nghiệp Trung ương và một số chuyên gia về kinh tế và pháp luật.
Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một nghị quyết trao thẩm quyền đủ mạnh cho Tổ công tác trên cơ sở chương trình hành động quy mô toàn quốc và tổng thể, có mục tiêu kế hoạch cụ thể để giải quyết các vấn đề cấp bách đang vướng mắc, đồng thời thúc đẩy khả năng phản ứng chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực điều hành của các cấp quản lý trong công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống hành chính, nhất là ở cấp địa phương; trong đó, trước mắt tập trung giải quyết tháo gỡ vào 3 vấn đề là vốn, thủ tục hành chính và mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Rà soát loại bỏ ngay một số quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp, lệch nhịp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư công để nhanh chóng tạo cầu cho thị trường nội địa để bù đắp sự sụt giảm của thị trường thế giới.
Để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị. Cần sớm ban hành Luật phát triển công nghiệp, trong đó theo hướng làm rõ danh mục các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng ưu tiên phát triển quốc gia và theo lợi thế của các vùng, địa phương.
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ phát biểu.
Xây dựng các biện pháp phát triển công nghiệp theo chiều sâu (theo chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, hàm lượng khoa học công nghệ, phát triển bền vững…); phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương thông qua tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp theo phân công của Chính phủ. Có chính sách khuyến khích tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương, vùng; tăng cường công tác điều phối, phân cấp theo ngành, vùng, lãnh thổ và giữa các địa phương…
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành cũng giải đáp các kiến nghị của các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng đã tích cực tham gia công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như đóng góp vào nỗ lực phát triển thương hiệu quốc gia; nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức.
Do đó chúng ta phải bình tĩnh, bản lĩnh để vượt qua khó khăn; truyền thống dân tộc ta là như vậy; phải giữ bản lĩnh của người Việt Nam là càng khó khăn thì càng đoàn kết, thống nhất; phải tìm lối đi phù hợp tình hình đất nước, điều kiện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phải đồng lòng, thống nhất để giải quyết khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu, phải đặt địa vị của mình vào địa vị của người khác, theo đó, ngân hàng phải đặt vị trí của mình vào vị trí của doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp nhỏ và vừa đặt vị trí của mình vào vị trí của ngân hàng; hai bên đều chia sẻ, lắng nghe ý kiến, nhường nhịn của nhau, cố gắng giải quyết các yêu cầu phù hợp tình hình, luật pháp hiện hành; điều quan trọng là chúng ta có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là liên quan vấn đề bất động sản, gia hạn, miễn, giãn, hoãn nộp thuế, phí, lệ phí; Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo, luôn đứng về doanh nghiệp, người dân; tất nhiên, việc quan tâm này có thể chưa đáp ứng hết được yêu cầu đặt ra mà phải cần cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
Thủ tướng chỉ đạo các thành viên Chính phủ, thành lập 26 Tổ công tác đi các địa phương để lắng nghe, tháo gỡ, tiếp nhận hơn 1.000 ý kiến, đã xử lý hơn 300 ý kiến và tiếp tục xử lý gần 700 ý kiến còn lại. Khó khăn này không phải chỉ của Việt Nam mà cả trên toàn cầu, ví dụ như vấn đề thu hút vốn đầu tư FDI, thị trường toàn cầu bị thu hẹp…
Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng thích ứng, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn có hạn. Ngành Ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, nhưng phải làm mạnh hơn nữa, đem lại hiệu quả thiết thực.
Muốn vậy cả hai phía cộng đồng doanh nghiệp và ngành Ngân hàng phải nỗ lực; ngân hàng phải lắng nghe để cho vay kịp thời. Ngân hàng đã ban hành 2 Thông tư 02 và 03 và cần tiếp tục theo dõi để điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
Đối với kiến nghị của các doanh nghiệp như khó tiếp cận vốn tín dụng, Thủ tướng đề nghị ngân hàng tiếp tục nghiên cứu điều kiện cho vay thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Về vấn đề lãi suất cho vay còn cao, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính.
Chính phủ đã và đang làm, đang tích cực rà soát lại vấn đề này, giao Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Nội vụ rà soát, tiếp tục phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm; tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ yên tâm làm.
Về vấn đề vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khiêm tốn, chưa nhiều, Thủ tướng đề nghị cần phải tìm cách cải thiện, hợp tác với ngân hàng để nâng vốn, có điều kiện thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định của ngân hàng để vay được vốn nhiều hơn.
Về những vướng mắc pháp lý, Thủ tướng cho biết, vấn đề này đang được rà soát lại, cái gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội thực hiện, thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành thực hiện.
Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu để hỗ trợ vấn đề đào tạo, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp, cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp vào lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa như Fintech, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo.
Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng cho doanh nghiệp ngành gỗ và thuỷ sản; mong 5 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các gói kích cầu; kêu gọi đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Chính phủ sẽ rà soát lại pháp luật để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đúng quy định…
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời đưa ra chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế; thường xuyên đổi mới, có các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; ngân hàng thực hiện quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân… theo đó nỗ lực giảm lãi suất cho vay, tăng cung tín dụng, tăng tín dụng cho các ngân hàng thương mại; bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp; thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho kinh doanh.
Theo Thủ tướng, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp theo những khảo sát mới đây là thiếu đơn hàng, do đó Chính phủ đang chỉ đạo tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác, phát huy tối đa các FTA đã ký kết, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng; tăng cường cải cách thủ tục hành chính…
Gửi phản hồi
In bài viết