Toàn tỉnh có trên 117.000 hội viên nông dân. Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã quản lý, sử dụng hiệu quả 37 tỷ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; tăng cường phối hợp với 2 Ngân hàng Chính sách xã hội và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh hỗ trợ trên 3.600 nông dân vay vốn với dư nợ trên 2.500 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng quản lý tốt và phát huy hiệu quả chương trình cho vay bò trả bê theo các quyết định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở hội thành lập chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất; tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử và các chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin điện tử, các hội chợ, Festival.
Hội Nông dân huyện Chiêm Hóa phối hợp với doanh nghiệp cung ứng phân bón giới thiệu sản phẩm phân bón đến cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện.
Chị Tướng Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, trong thời gian qua, Hội Nông dân xã luôn quan tâm phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên nông dân. Hội thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt chi hội, trọng tâm là tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề cho cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức cho các chi, tổ hội tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh, trong đó chú trọng các mô hình hiện có tại cơ sở. Trong nhiệm kỳ, Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức cho gần 200 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả tại Vĩnh Phúc, Na Hang và Hà Giang... Qua đó, hoạt động sản xuất nông sản hàng hóa địa phương ngày càng đa dạng và chất lượng, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao như: mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất chè Vietgap, thu nhập đạt từ 150 - 300 triệu đồng/năm... Nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương đang từng bước chuyển hướng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì tham gia sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, như: trà thảo mộc, chè khô,... góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập người dân.
Còn đối với xã Phúc Sơn (Lâm Bình), Hội Nông dân xã luôn quan tâm tổ chức tốt các hoạt động liên kết đào tạo nghề cho hội viên. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn Ma Văn Toản cho biết, Hội Nông dân xã đã phối hợp mở các lớp dạy nghề cho hội viên nông dân như: kỹ thuật trồng lạc, làm du lịch, đan lát. Qua các lớp dạy nghề, hội viên nông dân được cầm tay chỉ việc, vừa lý thuyết vừa thực hành. Sau khi kết thúc khóa học, hội viên, nông dân đã có thêm nghề mới, biết vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Qua đó, phát huy thế mạnh về đất đai, lao động, vốn, khoa học kỹ thuật để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao.
Bà Trần Thị Yêu, thôn Khuôn Nhòa, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) - hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chia sẻ: trước kia, cuộc sống gia đình tôi cũng khó khăn lắm, tôi mạnh dạn phá bỏ các cây truyền thống để xây dựng mô hình trồng cây ăn quả. Trong đó tập trung trồng cây cam sành và cam Vinh. Vừa làm vừa học hỏi, đầu tư, được hội giúp đỡ về vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật, tôi đã phát triển được vườn cây ăn quả hằng năm thu nhập đạt từ 500 - 700 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình bà Yêu đã tạo việc làm cho 5 - 7 lao động tại địa phương.
Có thể nói việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân của các cấp Hội Nông dân thời gian qua có ý nghĩa rất lớn đối với các mô hình sản xuất của hội viên, nông dân, nhất là những hộ nghèo, hộ thiếu vốn, ít kinh nghiệm. Sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của các cấp hội đã tạo điều kiện để hội viên nông dân phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng vùng, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, góp phần vào sự phát triển địa phương
Gửi phản hồi
In bài viết