Nhìn từ xa, ít người hình dung được khu vực chăn nuôi - trồng trọt khép kín của Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương, xã Minh Khương (Hàm Yên) lại hiện đại và đồng bộ như vậy.
Khu vực nuôi cá tuần hoàn của Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương, Hàm Yên.
Tầng 1, anh Mai Văn Phi - Giám đốc Hợp tác xã đặt 3 bể nuôi cá tuần hoàn với 2 giống cá chính là diêu hồng và rô phi. Tầng 2, anh lắp đặt giàn trồng rau khí canh, tận dụng nước và chất thải từ bể nuôi cá tuần hoàn để làm dinh dưỡng và tiết kiệm nước. Hiện sản phẩm chủ yếu vẫn "tự sản tự tiêu" - vì ngoài sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã còn có một xưởng may mặc với gần 200 công nhân. Tuy nhiên, về lâu dài, anh Phi cho biết đã kết nối với một số đơn vị bao tiêu sản phẩm để ký kết hợp đồng trồng, bao tiêu sản phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã Mai Văn Phi chia sẻ, mặc dù không phải địa phương hạn chế về diện tích sản xuất, nhưng vốn đam mê với những công nghệ mới, sự hiện đại trong quy trình sản xuất, anh nhận thấy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đã góp phần tạo nên sản phẩm sạch, chất lượng và đặc biệt là thay đổi thói quen, tư duy sản xuất cũ của người nông dân, khi câu chuyện phụ thuộc vào thời tiết khá phổ biến. Việc trồng rau khí canh khắc phục được hoàn toàn những hạn chế như mưa gió, sâu bệnh hại và cả đất sản xuất, khi toàn bộ rau được sinh trưởng trong môi trường không khí có chứa bụi dinh dưỡng trong dạng phun sương và hấp thụ bụi thể dinh dưỡng để phát triển. Vừa điều hành xưởng may, anh Phi vừa điều hành cả khu vực sản xuất này và chỉ cần sự hỗ trợ của 1 kỹ thuật viên.
Đặc biệt, hầu hết công nghệ, ý tưởng đều do Giám đốc Mai Văn Phi tự mày mò, nghiên cứu, học hỏi từ Internet để áp dụng ngoài thực tế.
Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu bằng ống nhựa trong nhà lưới của anh nông dân Hoàng Mạnh Cường, ở thôn 11, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) hiện cũng đang "tiêu tốn" 1 lao động duy nhất là anh Cường. Toàn bộ công nghệ tưới hiện đại, nhà lưới phủ kín, bảo đảm sản xuất sạch và xanh được anh Cường tự mình mày mò thiết kế, lắp ráp các khung, giàn, máng nước, ống nhựa để trồng rau, hoa quả từ năm 2020. Anh ưu tiên trồng các loại cây như: dưa chuột baby, cà chua bi, rau muống, rau xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, cải chip... Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc rau đều được thực hiện bằng nước sạch, nói không với các loại phân thuốc hóa học. Thấy có hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng quy mô. Đến nay, anh đã có 2 nhà lưới trồng rau sạch với diện tích hơn 600 m2. Mới đây, anh liên kết với Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm trồng thêm 4.000 cây rau má. Toàn bộ rau má khi thu hoạch được công ty thu mua theo giá thị trường.
Anh Hoàng Mạnh Cường, ở thôn 11, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) với mô hình trồng rau thủy canh.
Ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn tương đối khiêm tốn, chủ yếu vẫn dừng ở các mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng và ứng dụng trên một số khâu như tưới tự động, cho ăn tự động... nhưng đã giảm đáng kể lao động làm việc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ngày càng đồng bộ và hiện đại, ngành sẽ tiếp tục thiết lập nền tảng dữ liệu về diện tích, sản lượng cây trồng, xây dựng bản đồ số vùng trồng các cây trồng chính để khai thác, sử dụng trong công tác quản lý nhà nước, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ; xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến; phát triển ứng dụng công nghệ thông minh; thiết lập hệ thống dữ liệu và bản đồ số về diện tích, chủng loại và sản lượng các cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ.
Quan trọng hơn cả, là việc thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này. Có như vậy, quá trình sản xuất công nghệ cao mới ngày càng khép kín, đồng bộ và hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết