Đổi mới cách làm
Đồng chí Trần Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, xã Hồng Thái có 332 hộ, trên 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao, Mông... sinh sống. Do trình độ dân trí còn thấp, nên đời sống người dân những năm qua còn nhiều khó khăn. Nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, ưu tiên đưa các cây có giá trị kinh tế cao như: chè, các loại rau củ quả, chăn nuôi trâu bò, dê... áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, vận động Nhân dân tham gia xây dựng vùng sản xuất chè, vùng sản xuất rau củ quả hàng hóa tập trung... theo hình thức chuỗi liên kết, duy trì tốc độ tăng trưởng đàn vật nuôi.
Ngoài ra, UBND xã gắn phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị địa phương như: "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, "Thanh niên lập thân lập nghiệp". Từ đó, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo.
Người dân xã Hồng Thái thu hoạch lúa mùa.
Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giống, máy sản xuất nông nghiệp cho bà con theo các chương trình, dự án của Chính phủ, tỉnh. Qua đó đã giúp nhiều hộ gia đình từng bước thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế.
Hộ gia đình anh Lý Văn Mãi, thôn Khuổi Phầy từng là một trong những hộ gia đình nghèo nhất của xã. Không lùi bước trước hoàn cảnh, anh Mãi tìm hướng phát triển kinh tế theo hướng phát triển từ chăn nuôi và nông nghiệp. Năm 2018, sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ 100 triệu đồng của chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế, anh đã đầu tư phát triển đàn trâu, mua máy nông nghiệp và trồng chè. Theo anh Mãi, tuy thuộc hộ nghèo nhưng anh không hề bị bỏ lại phía sau mà được hỗ trợ tiếp cận các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tại địa phương ngày một hoàn thiện, chỉ cần cố gắng làm ăn thì sẽ không còn cái nghèo bủa vây. Đến nay, nhờ quyết tâm thoát nghèo cùng sự tiếp thu, học hỏi, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, đảm bảo mức sống tối thiểu, các con có điều kiện học hành tốt hơn.
Làm thức dậy vùng đất nghèo
Trong số các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn xã, không thể không kể đến HTX xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương. Dù các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng cũng rất nhanh chóng thích ứng với thị trường khi tích cực vận động các thành viên, nhất là hộ nghèo và cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số tại vùng khó khăn tham gia liên kết trồng các loại rau củ quả...
HTX cũng đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu mua 100% sản lượng nông sản của các hộ tham gia mô hình. Đến nay, HTX đã phát triển được trên 10 ha các loại rau củ quả với 15 hộ liên kết sản xuất, tạo thu nhập cho nhiều hộ dân.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, xã Hồng Thái tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương.
Chị Đặng Thị Mai, thôn Nà Mụ chia sẻ, từ năm 2021, chị cùng nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã liên kết với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương trồng các loại sản phẩm đặc trưng của địa phương như su hào, bắp cải, cà chua, bí thơm... sau 2 năm liên kết với HTX, đến nay mỗi năm gia đình chị tiêu thụ trên 1 tấn rau các loại. Chị thấy hình thức liên kết này đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ngoài HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, nhiều mô hình phát triển kinh tế của không ít hộ dân đang phát huy hiệu quả trong việc nâng cao đời sống, hỗ trợ giảm nghèo. Chẳng hạn như từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023; Tập đoàn Vingroup; Bộ Công an... nhiều hộ gia đình đã làm được nhà cửa khang trang, có con giống, cây giống để phát triển kinh tế từ đó thoát nghèo như hộ gia đình Lý Văn Đanh, thôn Hồng Ba; Lý Văn Phong, thôn Nà Mụ được hỗ trợ con giống; Đặng Thị Thư, thôn Nà Kiếm và Lý Văn De, thôn Hồng Ba được hỗ trợ làm nhà ở; Đặng Thị Mai, thôn Nà Mụ, được hỗ trợ các loại cây giống...
Nhờ tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, chương trình 30a... mà xã Hồng Thái có điều kiện nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa, phát triển sản xuất chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; thực hiện tập huấn kỹ thuật, tư vấn, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho các hộ nghèo để họ phát triển sản xuất.
Những cách làm này của xã Hồng Thái trong thời gian qua đã giúp xã Hồng Thái mỗi năm giảm từ 3,5 - 4% tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 24,7%. Đặc biệt với những chương trình, kế hoạch đang triển khai, xã đang hướng đến mục tiêu đến hết 2023 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 8%.
Gửi phản hồi
In bài viết