Trong 8 ngày phục vụ dịp Tết Giáp Thìn 2024 (từ ngày 7 đến 14-2), Đường hoa Nguyễn Huệ tại thành phố Hồ Chí Minh đã đón hơn 1,2 triệu lượt du khách.
Định hình xu thế mới
Đó là du lịch nhóm nhỏ, gia đình; nghỉ ngắn ngày tại những nơi thuận tiện đi lại nhưng yêu cầu chất lượng cao và di chuyển bằng xe ô tô gia đình trong bán kính khoảng 300km. Tại những địa điểm gần các thành phố lớn trong bán kính khoảng 100km, lượng người đi xe máy rất đông, kéo theo những dịch vụ trông giữ, sửa chữa xe cũng phát triển.
Điển hình như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết Giáp Thìn 2024 (tức từ ngày 10 đến 14-2), toàn tỉnh đón hơn 684.000 lượt khách, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Khách lưu trú là hơn 181.000 lượt, bao gồm hơn 10.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu đạt 558,428 tỷ đồng (tăng 3,73% so với dịp Tết năm 2023). Công suất phòng đạt khoảng 80 - 85%. Những khu nghỉ dưỡng ven biển đông khách hơn cả.
Tại Bình Thuận, lượng khách đến trong những ngày Tết vừa qua ước khoảng 205.000 lượt, tăng 28% so với Tết Quý Mão 2023. Doanh thu ước đạt 340 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Công suất phòng đạt khoảng 75-85%. Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, riêng Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen trong dịp Tết đã đón hơn 240.000 lượt du khách (tính trong 4 ngày từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết); doanh thu vé hơn 2,2 tỷ đồng.
Chị Dương Phương Trang ngụ tại quận 7 cùng gia đình đã lựa chọn chuyến du Xuân xuyên Tết bằng ô tô gia đình từ thành phố Hồ Chí Minh đến Nha Trang. Trong 5 ngày hành trình dài 600km cả chiều đi và về từ chiều ngày mùng 1 Tết, gia đình chị lựa chọn 4 điểm ngủ đêm là thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), thành phố Phan Rang - Tháp Chàm của tỉnh Bình Thuận, thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa.
Ninh Thuận thu hút du khách bằng vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ.
“Gia đình tôi di chuyển chặng ngắn để tận dụng thời gian tối đa cho việc khám phá những vùng đất mới trên hành trình, tránh mất nhiều thời gian đi lại. Việc chỉ dừng nghỉ 1 đêm ở mỗi điểm đến cũng khiến hành trình trở nên thú vị, hấp dẫn hơn bởi luôn có những điều mới mẻ chờ đợi phía trước. Gia đình tôi đã có chuyến du xuân rất ý nghĩa”, chị Trang cho biết.
Còn bạn Trần Trọng Ninh, ngụ tại quận 3 thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn việc cùng nhóm bạn 4 người chạy 2 xe máy xuống Vũng Tàu chiều mùng 2 Tết, quay về thành phố chiều mùng 3 để nghỉ ngơi ngày mùng 4, sau đó đi Tây Ninh và về lại thành phố ngay trong ngày mùng 5 Tết.
Ninh chia sẻ: “Khoảng cách di chuyển khoảng 100km, đường tốt rất thuận lợi cho việc đi lại bằng xe máy. Nhóm em chọn Vũng Tàu ở lại qua đêm, vừa để được đón cả hoàng hôn và bình minh, vừa được lội biển ra hòn Bà sáng mùng 3 Tết. Và cũng do khoảng cách gần, nên ngày mùng 5, nhóm chạy thẳng đến núi Bà Đen ở Tây Ninh, đi cáp treo thăm thú trong ngày rồi về lại thành phố mà không bị mệt. Chi phí các chuyến đi cũng rất hợp lý, phù hợp với người trẻ như tụi em”.
Nói về xu hướng du lịch mới đã được hình thành rõ nét, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh, thông tin, lượng khách đến thành phố trong dịp Tết vừa qua chủ yếu đi nhóm nhỏ, gia đình; nghỉ ngắn ngày và lựa chọn những điểm nghỉ dưỡng có dịch vụ tốt. Nắm bắt xu thế mới, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao trong dịp Tết để du khách có nhiều lựa chọn khi chơi Tết tại đây.
Nhận định thách thức mới
Nói về những khó khăn khi tự tổ chức tour du xuân cho gia đình, chị Dương Phương Trang cho biết, “thách thức” lớn nhất là việc sàng lọc trong vô số thông tin điểm đến du lịch trên mạng để chọn ra cho mình điểm đến phù hợp, bởi số lượng quá nhiều, nhưng nội dung không thống nhất.
Kết quả tìm kiếm hàng đầu cụm từ "Du lịch Ninh Thuận" chỉ bao gồm những quảng cáo của doanh nghiệp lữ hành, rất thiếu thông tin từ cơ quan chức năng quảng bá điểm đến với du khách.
“Tôi nghĩ mỗi địa phương rất cần có kênh chính thống quảng bá điểm đến du lịch với những thông tin tin cậy, chính xác. Có điểm đến tự quảng cáo trên mạng với những hình ảnh rất lung linh, nhưng khi đến nơi, chỉ là một góc nhỏ trong hẻm phố. Nơi quảng cáo món ăn ngon thì cảm quan vệ sinh chưa bảo đảm. Gia đình vì thế cũng không dám quá tin vào lời quảng bá của những KOL trên mạng, bởi có nhiều người trong số họ nhận tiền của cơ sở ăn nghỉ rồi nói tốt, trong khi thực tế không như vậy”, chị Trang góp ý.
Còn bạn Trần Trọng Ninh nhận xét, Vũng Tàu có lợi thế là gần thành phố Hồ Chí Minh và đường tốt. Nhưng đến giờ, thành phố còn ít dịch vụ cho du lịch. Ngoại trừ việc những người trẻ như tụi em tự tìm các quán cà phê ngắm hoàng hôn để “tiêu tốn” khoảng 2-3 tiếng đồng hồ trong đó, thành phố gần như đi ngủ từ 21h mỗi tối. muốn chơi thêm cũng khó.
"Ngoài ra, dải đường ven biển của thành phố Vũng Tàu rất đẹp, nhưng thiếu điểm trông giữ xe. Phần lớn du khách chạy xe máy như tụi em cứ dựng xe dọc bờ kè để chơi loanh quanh gần đó, vì còn trông xe. Rất mong thành phố chú ý hơn về những vấn đề này”, Ninh nói.
Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, chính quyền các địa phương và những người làm du lịch cần thống nhất quan điểm: Đã qua thời du khách đi mọi nơi vì tò mò, khám phá. Giờ họ lựa chọn du lịch để thưởng thức và trải nghiệm, nhất là với khách nước ngoài.
Vì vậy, rất cần sự quảng bá điểm đến với thông tin đầy đủ, tin cậy; không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng dịch vụ để khách không chỉ đến đông, ở lâu, tiêu nhiều mà còn quay lại nhiều lần nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết