>> Bài 3: Những bài học giữ “vùng xanh”
Truy vết, xét nghiệm “thần tốc”
Một năm qua, tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã phát hiện có ca F0 tại cộng đồng, mỗi một ca bệnh có những lịch trình di chuyển, phát hiện nguồn lây khác nhau. Nhưng khi xuất hiện ca F0 ở cộng đồng là những chiến sỹ áo trắng lại lên đường. Trong cuộc chiến này, việc truy vết, lấy mẫu luôn được ngành Y tế triển khai nhanh, kịp thời để phát hiện các ca bệnh khác liên quan và nhằm ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Lực lượng cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) là những người luôn có mặt tại những nơi phát hiện bệnh nhân F0 đầu tiên. Là người “tổng chỉ huy” của CDC, luôn có mặt trong tất cả các điểm “nóng” của dịch, gần 2 năm nay, bác sỹ Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh gần như chưa biết đến ngày nghỉ. Anh cùng các đồng nghiệp làm việc xuyên đêm để điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2... khi có ca bệnh xuất hiện.
Trong đợt dịch tại huyện Lâm Bình, anh đã cùng với đồng nghiệp “bám trụ” tại địa phương này. Không ngày nghỉ, có những hôm xuyên đêm làm việc, nhưng chưa ai bỏ cuộc. Bác sỹ Hùng cho biết: Trong dịch Covid-19, không chỉ Ban lãnh đạo của CDC mà tất cả cán bộ đều phải làm việc với cường độ liên tục, gấp 2 gấp 3 lần so với những ngày thường. Đặc biệt, gần đây nhất tại 2 huyện Lâm Bình, Na Hang khi phát hiện những ca cộng đồng, đơn vị đã đưa đoàn cán bộ của đơn vị lên “cắm chốt” tại huyện để hỗ trợ việc lấy mẫu, truy vết và tăng cường các xe để chuyển mẫu.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn quy trình lấy thông tin cho lực lượng y tế truy vết,
lấy mẫu tại thị trấn Na Hang. Ảnh: Minh Hoa
Với những cán bộ làm công tác chống dịch như CDC, ngoài việc đi truy vết, lấy mẫu, họ còn có nhiệm vụ nhận mẫu từ các nơi chuyển về rồi bóc tách, sàng lọc, nhập dữ liệu, làm xét nghiệm… Chuyện làm việc “xuyên đêm” đã quá quen thuộc đối với cán bộ của CDC. Qua sàng lọc, xét nghiệm 166.763 mẫu, tính đến hết ngày 19-12, toàn tỉnh đã phát hiện 917 mẫu dương tính.
Tình nguyện vào tâm dịch
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 không chỉ trong nước và trong tỉnh, đã có không ít những y, bác sỹ đã tình nguyện vào tâm dịch.
Là một trong những cán bộ trẻ trong ngành Y tế, khi diễn biến dịch tại các tỉnh miền Nam phức tạp, điều dưỡng Chu Quang Linh, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Na Hang đã viết đơn tình nguyện để xin được tham gia cùng đoàn cán bộ y tế của tỉnh lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Điều dưỡng Linh vẫn còn nhớ mãi đôi mắt đượm buồn của một bệnh nhân tại nơi anh tăng cường hỗ trợ. Lúc đó vào buổi chiều, chuẩn bị hết ca trực, thấy 1 bệnh nhân đang ngồi khóc, anh lại gần hỏi thì được chia sẻ, cùng một lúc nghe tin có mấy người thân trong gia đình mắc Covid-19 không qua khỏi. Anh đã nán lại động viên, an ủi và mong bệnh nhân cố gắng vượt qua và điều trị để sớm trở về cuộc sống thường ngày. Bệnh nhân này sau 20 ngày điều trị thì được xuất viện. Trước khi xuất viện, bệnh nhân đã gọi anh lại dặn dò nhớ giữ gìn sức khỏe để giúp đỡ, chăm sóc các bệnh nhân khác nhé.
Dịch Covid-19 đã trở nên quá khốc liệt, nó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây bao đau thương không bù đắp được. Người người bị ảnh hưởng, nhà nhà bị ảnh hưởng, ngay cả những người trên tuyến đầu chống dịch cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng này. Không có nỗi đau nào khi người thân mất mà không thể về chịu tang nhìn mặt lần cuối.
Điều dưỡng Vũ Đức Đảm, cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 2 lần tạm xa gia đình, người thân, vợ con để dốc sức xung phong vào tâm dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 huyện Lâm Bình.
Điều dưỡng Đảm chia sẻ, trong lúc làm nhiệm vụ hay tin bố vợ mất, nhưng anh không về được bởi đang làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ chưa hoàn thành, anh Đảm chỉ biết giấu đi nỗi buồn, mất mát vào công việc, mong sao dịch mau chóng được ngăn chặn để anh được về thắp cho người quá cố nén nhang thơm.
Cán bộ Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 huyện Lâm Bình phát thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Tố Mai
Kỹ thuật viên Nguyễn Ngọc Anh, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc là một trong số đó. Anh Ngọc Anh chia sẻ, trong đợt dịch vừa qua, anh đã 2 lần xung phong vào tâm dịch, lần đầu là tại tỉnh Bắc Giang và lần thứ 2 là tỉnh Bình Dương. Mỗi lần lên đường là một tâm trạng khác nhau nhưng đều cùng chung một quyết tâm là chiến thắng dịch bệnh. Hình ảnh mà anh không bao giờ quên được đó là 2 mẹ con bệnh nhân ở Bình Dương, cùng vào điều trị tại Bệnh viện 1 ngày. Vì cả 2 đều là bệnh nhân nặng nên mọi sinh hoạt đều do cán bộ làm việc tại khu điều trị của Bệnh viện làm, hỗ trợ. Và buồn hơn cả là chỉ trong vòng 1 ngày, 2 mẹ con bệnh nhân đều không qua khỏi... Cảm giác bất lực, hụt hẫng chiếm lấy tâm trí, tình cảm của Ngọc Anh và của tất cả y, bác sĩ trong bệnh viện mỗi lần phải vĩnh biệt một người không may qua đời. Nhưng, anh Ngọc Anh cười buồn, mình chỉ được phép buồn trong một thời gian rất ngắn thôi, rồi lại dồn sức vào cứu chữa những bệnh nhân còn nằm trên giường bệnh. Đó là sứ mệnh của mình!
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong các đợt hỗ trợ các địa phương chống dịch, ngành Y tế đã có gần 1.000 lượt cán bộ tham gia. Trong số đó có 12 cán bộ không may nhiễm covid-19.
Nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng
Với quyết tâm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”, sẵn sàng sống chung với dịch, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, tăng tỷ lệ bao phủ của vắc xin, sớm hoàn thành mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Từ nhiều tháng qua, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình An (Lâm Bình) Đặng Thị Thơ coi cơ quan là nhà, việc gia đình, chăm sóc các con đều nhờ chồng quán xuyến. Những ngày cao điểm truy vết F0 và đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắc xin, chị Thơ ăn ngủ tại nơi làm việc, có ngày về nhà lúc 2 - 3h sáng, rồi 6h lại lên đường làm nhiệm vụ.
Khi Trạm Y tế xã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin, không chỉ khám sàng lọc kỹ lưỡng, bảo đảm quy trình tiêm an toàn, chị Thơ và các cộng sự còn tích cực giải đáp cặn kẽ mọi thắc mắc của người dân, đặc biệt là những người cao tuổi. 8 tháng của đợt dịch thứ tư đã trôi qua, đến nay, các y bác sỹ, nhân viên y tế của Trạm Y tế xã Bình An rất hạnh phúc khi hoàn thành nhiệm vụ, không ai bị phơi nhiễm và tạm hài lòng vì kịp thời ngăn chặn dịch không để lây lan ra cộng đồng, chiến dịch tiêm vắc xin thực hiện bài bản, không xảy ra sai sót.
Từ tháng 4-2021, Tuyên Quang bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và bắt đầu từ 24-11, triển khai tiêm cho lứa tuổi từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Từ ngày 24-11, tỉnh bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho lứa tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, đây là lứa tuổi mà trước khi tiêm cần có sự giám hộ của gia đình. Trong quá trình triển khai tiêm lực lượng làm nhiệm công tác tiêm phòng cũng gặp nhiều khó khăn. Y sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, cán bộ Trạm Y tế xã Ninh Lai (Sơn Dương) chia sẻ, trong quá trình tổ chức tiêm, điểm tiêm cũng gặp khó khăn vì có nhiều gia đình không đồng ý cho con tiêm. Mỗi ngày xong việc tại điểm tiêm, chị lại tranh thủ đến các hộ gia đình đó để tuyên truyền, phân tích cho gia đình hiểu và tác dụng của việc tiêm phòng. Chị còn nhớ có lần chị đến 1 gia đình để vận động cho con đi tiêm, phải mất đến hơn 2 giờ đồng hồ mới thuyết phục được, lúc ra về nhìn lên đồng hồ cũng đã hơn 22h.
Những ngày cuối năm, khi nhiều gia đình đang rục rịch chuẩn bị Tết thì hình ảnh những chiến sỹ áo trắng vẫn đang tất bật, sẵn sàng lên đường vì sức khỏe nhân dân. Với họ đó là một năm không thể nào quên.
Gửi phản hồi
In bài viết