Mô hình “Bản đồ vệ sinh thôn bản”
Thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú có 95 hộ với trên 380 nhân khẩu. Thu nhập chính của bà con vẫn chủ yếu từ trồng cây ăn quả, trồng ngô, cấy lúa và trồng rừng. Thôn tự hào có di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia Động Tiên. Chúng tôi khá ấn tượng khi suốt dọc hai bên đường dẫn vào thôn 2 Thống Nhất hầu như không thấy rác thải, túi nilon, chai nhựa xả ra môi trường. Ở trung tâm thôn có tấm biển chỉ dẫn “Đoạn đường tự quản”.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng thôn giải thích, biển này vừa là chỉ dẫn đi tới 3 khu dân cư của thôn, vừa cụ thể hóa rõ việc Chi bộ thôn giao nhiệm vụ cho Chi hội phụ nữ, Chi hội nông dân và Chi hội Cựu chiến binh phụ trách, đảm nhiệm đảm bảo, duy trì công tác vệ sinh đường làng ngõ xóm theo 3 khu. Biển này cũng giúp tuyên truyền, nhắc nhở, nêu cao ý thức cho người dân, trách nhiệm bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm định kỳ khi có thông báo.
Từ năm 2018 đến nay, thôn triển khai và duy trì hiệu quả mô hình “Bản đồ vệ sinh thôn bản”. Tấm bản đồ vệ sinh thôn bản của thôn được treo, niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn. Thông tin trong bản đồ dễ hiểu, dễ nhớ. Các hộ dân được hiển thị là những hình tam giác. Trong đó, tam giác màu xanh thể hiện những hộ thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, có nhà ở ngăn nắp, có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh và chuồng trại xa nhà. Hình tam giác màu vàng là những hộ chưa có công trình vệ sinh đảm bảo; tam giác màu đỏ là những hộ dân thực hiện vệ sinh môi trường còn hạn chế, mất vệ sinh,...
Các cán bộ thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) đánh giá hiện trạng “Bản đồ vệ sinh thôn bản” tại thôn.
Năm đầu khi triển khai tỷ lệ hộ được đánh giá bằng tam giác màu xanh chỉ chiếm chưa tới 2/3 tổng số hộ, số còn lại đánh giá bằng tam giác màu vàng, đỏ. Nguyên nhân do kinh tế còn khó khăn, cái chính là tư tưởng công trình phụ ít được các hộ coi trọng. Đến nay, 91/95 hộ được đánh giá là tam giác màu xanh, còn lại chỉ còn 4/95 hộ đánh giá là tam giác màu vàng.
Là người trực tiếp theo dõi, quản lý tấm bản đồ, anh Trần Xuân Thủy - nhân viên y tế thôn vui mừng cho biết: Để có kết quả chuyển hóa “phủ màu xanh”, “xóa màu vàng và màu đỏ”, trưởng các đoàn thể thôn đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các buổi họp thôn. Đồng thời, các cán bộ thôn đã tích cực đến từng hộ vận động, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ cải tạo, xây mới nhà tiêu đảm bảo hợp vệ sinh.
Mục tiêu lớn nhất là “khai tử” những nhà tiêu khô bốc mùi, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe đã hoàn thành. Các đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu thực hiện trước, để các hộ dân cùng thực hiện. Điều đáng mừng, các hộ đánh giá ở mức tam giác vàng, đỏ đều chủ động cải tạo hoặc xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Những hộ khi xây nhà mới đều chú trọng xây nhà tắm, nhà tiêu ngay từ đầu. Các hộ để được đánh giá bằng tam giác màu xanh giờ còn thêm tiêu chí có hố rác hoặc bể đốt rác tại gia đình.
Thêm nhiều hoạt động thiết thực
Theo đồng chí Nguyễn Văn Khuê, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Yên Phú, mô hình “Bản đồ vệ sinh thôn bản” được duy trì tốt tại 23/23 thôn của xã. Mô hình đã phát huy hiệu quả tốt mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh không ngừng tăng, đến nay tỷ lệ đó chiếm trên 82% số hộ dân của xã. Việc các hộ được đánh giá bằng tam giác màu xanh, vàng, đỏ sẽ là tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa hàng năm. Lợi ích rất lớn của tấm bản đồ là khi đánh giá, xếp loại theo tháng, có sự giám sát ngay tại cộng đồng đã tạo động lực, khí thế thi đua, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân chung tay tham gia giữ gìn vệ sinh vì xóm làng sạch đẹp.
Theo rà soát thống kê của xã Yên Phú, trên địa bàn xã, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 1,5 tấn/ngày. Trong đó, rác thải hữu cơ chiếm khoảng 70%; rác thải nhựa 8,0%; còn lại 22% là rác thải vô cơ, chất trơ, các tạp chất khác. Ở xã chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển rác đi xử lý. Giải pháp chính vẫn là các hộ đã chủ động phân loại rác, ủ rác hữu cơ; xây dựng bể chứa, hố rác, lò đốt rác tại gia đình. Do đó, việc duy trì các cách làm, mô hình hiệu quả từ cơ sở mang ý nghĩa rất quan trọng.
Hội LHPN xã Yên Phú (Hàm Yên) duy trì hiệu quả mô hình mây, tre đan giúp tăng thêm thu nhập cho hội viên,
chung tay giảm thiểu rác thải sinh hoạt, chống rác thải nhựa.
Thời gian qua, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” ở xã Yên Phú đã đạt được những kết quả đáng mừng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã không sử dụng đồ nhựa, như chai nhựa để nước uống. Toàn xã đã xây dựng và duy trì 19 mô hình tự quản về môi trường và 3 mô hình tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa. Xã đã khắc phục xong, chấm dứt tình trạng một số “điểm đen” xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan ở khu vực suối Hẻ, thuộc thôn Làng Chiền, Làng Soi.
Các tổ chức đoàn thể xã, các thôn đã có những hoạt động thiết thực trong bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Tiêu biểu như: Hội LHPN xã đã xây dựng mô hình mây, tre đan có 11 thành viên tham gia ở các thôn. Trong tháng 8 và tháng 9, Hội tổ chức 2 lớp dạy nghề đan rổ, rá, làn và một số vật dụng bằng tre, nứa... cho 80 hội viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các thôn: 1 Yên Lập, 2 Yên Lập và 3 Yên Lập. Mục đích giúp các chị em tạo ra các sản phẩm, vật dụng thân thiện với môi trường, vừa tăng thêm thu nhập những lúc nông nhàn. Hội Phụ nữ xã cũng đang tích cực chỉ đạo các chi hội vận động được đông đảo các chị em hưởng ứng, dần thay đổi hành vi chuyển sang sử dụng làn, túi vải để đựng đồ khi đi chợ hạn chế dùng túi nilon.
Hội Nông dân xã với mô hình “Xử lý rác thải, chất thải bằng biện pháp lắp bể Biogas góp phần giảm thiểu chất thải chăn nuôi ô nhiễm môi trường” và vận động hội viên thực hiện thu gom bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm thùng đựng, thu gom, xử lý rác hữu cơ. Đoàn xã đã vận động đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên nhà ở, nhà văn hóa và các khu công cộng.
Hay như việc nhân dân thôn 1A Thống Nhất đã tự nguyện đóng góp tiền xây dựng các lò đốt rác. Anh Ngô Xuân Thu, Trưởng thôn bày tỏ, xác định bảo vệ môi trường sống cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho mình nên khi cán bộ xã, thôn tuyên truyền, đa số bà con đều hưởng ứng tích cực, giám sát nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Thôn đã có 3 nhóm hộ xây dựng 3 lò phục vụ nhu cầu đốt rác của trên 60 hộ dân; còn lại gần 40 hộ khác có hố rác và tự xây bể đốt rác tại gia đình. Song song với đó, nhân dân trong thôn đã đóng góp tiền, ngày công lắp đặt bóng điện chiếu sáng tuyến đường dài 2 km, vừa tạo thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm, vừa dễ theo dõi giám sát, nâng cao ý thức của nhân dân không vứt rác bừa bãi ra môi trường. Hàng tháng, thôn đều tổ chức định kỳ cho nhân dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, Ủy ban MTTQ xã đã và đang chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì hiệu quả mô hình “Bản đồ vệ sinh thôn bản” ở các khu dân cư. Đây được coi là nhiệm vụ, cũng là một giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua, trọng tâm là Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Song song với đó, Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức đoàn thể đang tuyên truyền, vận động, giải thích cho gần 400 hộ dân dọc tuyến Quốc lộ 2 để cùng với chính quyền xã, phía đơn vị làm dịch vụ sớm lên phương án và tổ chức thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt đi xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết