“Chinh phục” rừng thiêng
Hà Ngọc Thuyền là CCB chống Mỹ. Sau chiến tranh ông về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chiêm Hóa. Năm 2000, ông nghỉ chế độ mất sức về địa phương tiếp tục tham gia công tác tại xã Linh Phú. Sau khi hoàn thành việc xã, ông đã rời làng vào trong khe núi khai phá đất đai làm trang trại phát triển kinh tế. Khe núi đó có tên khe Bản Cấy. Hồi ấy Bản Cấy là khu vực rừng thiêng núi độc, chả ai dám bước chân đến vì “sợ ma bắt”. Khi ông Thuyền vào khai phá, nhiều người gọi ông là “Thuyền khùng”, “Thuyền hâm”.
“Đáp lại sự lo lắng của mọi người, tôi chỉ cười và nung nấu quyết tâm”. Tôi nghĩ: “Đánh nhau với giặc, đối đầu với cái chết không sợ, chả lẽ lại sợ con ma” - ông Thuyền nói.
Vườn cây đến kỳ khai thác của gia đình ông Hà Ngọc Thuyền.
Nắng cũng như mưa, ông lên đồi phát cây, dọn cỏ, cuốc hố trồng cam, trồng mỡ. Chỉ vài năm, những cây cam sành đua nhau mọc xanh mơn mởn, quả trĩu cành. Tuy nhiên, do không hợp đất, vườn cam chỉ thu được 2, 3 vụ rồi tự chết. Thời điểm đó gia đình ông gần như mất trắng vốn. Khắc phục tình trạng cây bệnh, giá rẻ, ông học lại toàn bộ, không độc canh một cây, một con nữa mà chuyển sang trồng nhiều loại cây ăn quả. Cây nọ hỗ trợ cây kia, cây ngắn ngày hỗ trợ cây dài ngày. Hiện trang trại của ông có ngót nghìn cây ăn quả các loại như cam, bưởi, quýt, mít, ổi, thanh long, chanh, táo, cây trám... Ngoài trồng cây ăn quả, dưới khe trũng, ông thuê máy đào ao rộng hơn 2.000 m2 vừa tích nước tưới cho cây, vừa chăn nuôi cá; diện tích đất đồi cao ông trồng mỡ, trồng xoan...
Chia sẻ với chúng tôi, ông nói “Bao nhiêu vốn liếng tôi đều đổ về trang trại này hết. Đến giờ số tiền đầu tư vào trang trại này ngót dăm tỷ, tiền thu về chỉ tính trăm triệu đồng mỗi năm. Nhưng tất cả vì tương lai con cháu, đời mình không hưởng, chủ yếu để dành cho con”. Nói rồi, ông chỉ tay về vạt mỡ đều tăm tắp trước mặt, cười nói: “Vườn mỡ gần chục năm tuổi rồi đấy. Vừa rồi có khách trả tôi cả vườn gần 200 triệu đồng, tôi chưa muốn bán”. Rồi ông cười khà khà: “Hiện mình chưa cần đến tiền, cứ để đấy, khi nào thích thì mình bán”.
Ông Thuyền chia sẻ: “Bây giờ, trang trại đã hình thành nhìn đẹp vậy chứ, trước đây, nó chỉ là khe trũng, toàn cây gai, lau lách, chẳng ai dám bén mảng tới. Hai vợ chồng tôi cần mẫn phát dọn, cày cuốc thành ao, vườn quả đến tối mịt mới về nấu cơm ăn”.
Cụ Hà Ngọc Đẳng, một đảng viên lão thành thôn Pác Hóp bộc bạch: “Tôi cũng từng vào khai phá ở khe rừng này, nhưng rồi vì sợ nên bỏ cuộc. Khi ông Thuyền lên đây, chúng tôi không tin ông sẽ làm được như thế này, nhưng đến nay chúng tôi đã tin và làm theo”.
“Đồng chí Thuyền là một người giàu nghị lực, có ý chí phát triển kinh tế rất cao. Đây là mô hình trang trại đầu tiên và duy nhất của xã. Cách đây hơn 10 năm đây là khu rừng hoang vu, rậm rạp, đồng chí là người đầu tiên mạnh dạn vào khai phá. Chính nhờ những đảng viên dám nghĩ dám làm và luôn tiên phong đi đầu như đồng chí mà mảnh đất Linh Phú nghèo đói xưa đã chuyển mình, khởi sắc đi lên” - Đồng chí Phan Thị Nguyệt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú chia sẻ.
Nghỉ hưu, chưa nghỉ việc Đảng, việc dân
Hơn 20 năm phục vụ trong quân đội, trực tiếp tham gia chiến tranh chống Mỹ và công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Đến khi nghỉ hưu trở về địa phương, ông chưa nghỉ việc Đảng, việc dân. Tiếp tục nêu cao vai trò gương mẫu, chẳng ngại tuổi cao, ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều chức vụ: Prưởng thôn, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã, Bí thư Đảng ủy và hiện nay ông đang là Bí thư Chi bộ thôn Pác Hóp. Dù ở vị trí nào ông cũng làm tốt nhiệm vụ của mình, được Đảng tin, dân quý. Đơn cử như việc tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng nông thôn mới.
Ông Hà Ngọc Thuyền (đầu tiên bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả cùng các đồng chí đảng viên trong chi bộ.
Đường vào khu sản xuất Bản Cấy trước đây là đường đất, dốc cheo leo, trời mưa trơn trượt. Trồng keo, trồng cây ăn quả phải có đường vận chuyển. Bí thư Chi bộ Hà Ngọc Thuyền đã tham mưu, đề xuất Đảng ủy, chính quyền xã bê tông tuyến đường trên. Qua tính toán, con đường có chiều dài gần 2,5km, chiều rộng 3m. Ông Thuyền đã bàn với chi ủy, giao mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương làm trước, vận động người thân, họ hàng mình làm trước, từ đó vận động nhân dân cùng đồng thuận hiến đất. Chưa đầy 1 tháng, 24 hộ dân trong thôn đã tự nguyện chặt cây cối, thu dọn hoa màu, giải phóng hơn 6.000 m2 để xã bê tông hóa tuyến đường. Hay chuyện ông vận động nhân dân tự nguyện phá bỏ hoa màu, hiến đất để Nhà nước xây dựng tuyến đường nhựa từ ngã ba Pác Hóp đi Nà Luông. Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng tuyến đường đi qua thôn đã vấp phải một số khó khăn như người dân không đồng tình hiến đất. Bí thư Thuyền bàn với chi ủy, xin ý kiến chi bộ thống nhất chủ trương trích quỹ của thôn hỗ trợ mỗi hộ bị mất đất một ít để động viên họ. Bằng nhiều phương pháp và cách thức tuyên truyền, vận động, trong vòng 1 năm, Pác Hóp đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng xây dựng 2 tuyến đường. Thôn trở thành điểm sáng về công tác hiến đất làm đường. Kết quả đó là sự nỗ lực của chính quyền xã Linh Phú nói chung, nhân dân thôn Pác Hóp nói riêng, nhưng không thể không nhắc đến công lao của đồng chí Bí thư Chi bộ Hà Ngọc Thuyền.
Không chỉ hiến đất, Pác Hóp còn là một trong những thôn của xã đi đầu vận động nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn, lắp đặt kênh mương nội đồng, lắp đặt đường điện chiếu sáng... Các công trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo thôn và đóng góp lớn cho sự thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đồng chí Hà Ngọc Thuyền chia sẻ: “Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi ủy, chi bộ, tôi luôn nỗ lực, cố gắng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đó là động lực tạo thành hành động có hiệu quả. Được đảng viên đồng tình, nhân dân đồng thuận, tôi cho đó là điều quan trọng, then chốt để dẫn đến thành công. Trong mọi việc, tôi luôn đề cao tinh thần đoàn kết, gắn với phát huy dân chủ, bám sát, sâu sát với quần chúng nhân dân, tôn trọng nhân dân, từ việc nhỏ nhất đều phải là người gương mẫu, đi đầu”.
Gửi phản hồi
In bài viết