Những bí quyết…
Mở đầu câu chuyện ông Dương Minh Tọa - một “vua ong” ở Tấu Lìn chia sẻ: “Nói thuần hóa thì hơi quá, những đàn ong mật đã là bạn với người Mông chúng tôi từ nhiều đời nay. Mật ong là một trong những vị thuốc quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Từ thời xưa người Mông đã vào rừng bắt ong lấy mật sau đó mời các “vị khách quý” đến nhà thì như một lẽ tự nhiên mà thôi! Tuy nhiên để đưa được đàn ong tự nhiên về nhà nuôi lại phải có bí quyết kinh nghiệm riêng”.
Ông Dương Minh Tọa, thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) thu hoạch mật từ ong rừng thuần hóa.
Đó là nhìn vào tiết trời thường thì người Mông chọn mùa hạ, mùa thu, tiết trời khô ráo, ấm áp thì dễ dụ ong về hơn. Theo chân ông Tọa hành trình ngược dốc lên núi Ba Chàm ở Tấu Lìn, ông cho biết, để “dụ” được ong về cần nhiều công đoạn, mỗi người có một bí quyết riêng. Cách thứ nhất là chuẩn bị sẵn các đõ ong, sau đó vào rừng treo đõ lên cây to làm tổ, cách chọn lựa vị trí treo cũng cần có kinh nghiệm. Đó là chọn nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, mưa gió không hắt vào được, nắng gắt không tới. Đám ong sẽ “kiểm tra” kỹ, thấy an toàn thì chúng mới đến ở. Sau đó chỉ việc mang tổ về nhà, đám ong sẽ sống với mình nhiều năm trời. Nơi đặt đõ ong lấy mật phải là nơi cao ráo, tránh khói bếp và các loài côn trùng vào phá tổ ong (như kiến), cũng như tránh không nên di chuyển ong đến những vùng có phun thuốc trừ sâu, những nơi khói bụi nhiều, ô nhiễm… Nếu để đõ ong nuôi ở quanh nhà, người Mông thường treo ở nơi góc cao đầu hồi nhà, hướng quay ra ngoài, hoặc đặt gần bờ rào...
Theo ông Tọa thì nuôi bằng đõ tròn ít quân, được ít mật, người Mông nơi đây dần đổi sang nuôi ong mật bằng đõ vuông. Do đó, cần phải có cách “dụ” khá kỳ công. Trước tiên, phải có dụng cụ để bắt ong chúa, gồm lưới, hộp, rọ nuôi. Đầu tiên phải lên rừng quan sát và bắt ong chúa bỏ vào hộp nhỏ, sau đó cho vào rọ để dụ ong thợ tìm đến ở cùng. Nghe qua có vẻ dễ, nhưng để thực hiện các công đoạn này cần nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm.
Còn với anh Ma Văn Vinh, dân tộc Nùng thì ngoài cách bẫy ong tự nhiên lấy mật như người Mông thì người Nùng Tấu Lìn còn phát triển thêm nhiều phương pháp bắt ong khác như: Trên đường đi nếu gặp một đàn ong đang di chuyển, hãy nhặt những nắm đất đá vụn ném vào bầy ong. Sau một hồi như vậy, đàn ong mệt, sẽ tự sà xuống đất, lúc đó ta chỉ việc bới tìm ong chúa đem về thả vào đõ, là đàn ong tự khắc bay về theo, vì ong mật rất hiền lành, không bao giờ đốt - trừ khi bị đe dọa phá tổ.
Hương rừng Tấu Lìn
Tấu Lìn là một trong thôn xa nhất của xã Hùng Lợi. Nơi có khí hậu mát mẻ, diện tích rừng phòng hộ lớn là nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Thôn có 93 hộ dân, trong đó 90% đồng bào Mông. Ở thôn hiện nay có gần 20 hộ nuôi ong mật, nhiều hộ có từ 40 đến 50 đõ. Hộ nuôi nhiều có thể cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm.
Chàng trai 9x người Nùng Sùng Văn Giáp là một trong những người trẻ ở Tấu Lìn sở hữu 100 đõ ong. Anh bảo, cách nuôi ong ở Tấu Lìn có thuận lợi, đó là người nuôi ong không phải di chuyển đàn ong đi nơi khác. Hàng ngày, ong mật đi khắp nơi kiếm mật, người nuôi không phải chăm sóc nhiều, thi thoảng anh mới kiểm tra đõ. Vậy mà thùng ong nào cũng “binh hùng tướng mạnh”, cuối năm vẫn “nộp” mật đầy đủ. Thường thì tháng 10 là thời gian ong cho thu mật. Ong sản xuất được 5 thành mật (khoảng vài lít), anh chỉ lấy 4 thành, còn 1 thành để cho chúng dự trữ thức ăn khi mùa đông đến, nếu lấy hết mật trong tổ, chúng sẽ bỏ đi.
Vợ chồng anh Dương Sáng Áo chuẩn bị dụng cụ để dụ ong rừng.
Gia đình anh Dương Sáng Áo vừa thoát nghèo năm 2018 nhờ nghề nuôi ong mật. Anh chia sẻ, ban đầu, anh cũng lên rừng bắt ong về nuôi, sau tự nhập ong giống về nuôi nhưng chưa có nhiều kiến thức về nuôi ong nên ong hay bỏ đi. Anh ngẩn ngơ không hiểu vì lẽ gì mà đàn ong cứ bay đi. Thế rồi anh thường xuyên đến tham khảo kinh nghiệm chăn nuôi từ các hộ khác, tham gia lớp tập huấn kiến thức nuôi ong mới biết lý do ong bỏ đi. Đó là vì chưa tách đàn kịp thời hoặc không vệ sinh sạch sẽ để trừ bỏ các loại địch hại gây nguy hiểm. Gia đình anh hiện có 40 đõ, thu nhập từ bán mật ong khoảng từ 40 đến 50 triệu đồng mỗi năm.
Người Mông ở Tấu Lìn chỉ chọn giống ong nội để nuôi. Nhờ vậy, mật là kết tinh của nhiều loại hoa rừng, có chất lượng tốt, mật ong làm ra đến đâu, người nuôi ong dễ dàng tiêu thụ hết đến đó. Trung bình có gia đình mỗi năm thu 100 - 200 lít mật ong, bán với giá 150 nghìn đồng/lít. Ông Dương Minh Đức, một hộ nuôi ong bảo: “Nếu không có kỹ thuật nuôi thì sản lượng mật ong sẽ thấp và ong rất dễ bay đi mất. Vì vậy, muốn nuôi ong phải chịu khó học hỏi, thường xuyên vệ sinh, kiểm tra thùng ong để loại bỏ các loại côn trùng gây hại cho ong. Đồng thời, chỉ nên nuôi một loại và nên nuôi giống ong nội. Vì loại ong này có thể bay xa từ 4 đến 5 km đường rừng để tìm hoa, hơn các loại ong ngoại”.
Hương mật ong Tấu Lìn mang đặc trưng riêng khi nếm sẽ thấy có vị ngọt đậm đà nhưng không ngấy. Và đặc biệt khi nuốt xuống cổ họng mà thực khách vẫn cảm nhận được vị ngọt ngào vương vấn lại nơi đầu lưỡi. Chị Trần Thị Bình, xóm 6, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ, chị thường xuyên mua mật ong ở Tấu Lìn về sử dụng. Mật ong ở đây có vị thơm ngon, không giống với bất cứ mật ong ở nơi nào, bởi ong hoàn toàn được nuôi tự nhiên, hút mật ngọt từ các loại hoa rừng. Mật ong không có vị chua, có thể để được lâu mà vẫn còn nguyên chất mật.
Đến nay, mật ong của Tấu Lìn đã thực sự “bay xa” không chỉ bán tại địa phương, mà còn gửi bán ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh... Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi Linh Văn Chi cho biết, hiện nay số hộ nuôi ong mật toàn xã đã tăng lên khoảng 180 hộ, tập trung ở các thôn Tấu Lìn, Yểng, Bum Kẹn, Làng Chương. Thời gian qua xã triển khai nhiều hình thức quảng bá rộng rãi sản phẩm để nhiều người biết đến sản phẩm mật ong rừng đặc biệt này.
Gửi phản hồi
In bài viết