Động lực giúp cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ

- Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIX đã xem xét thông qua nghị quyết liên quan đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; khoán kinh phí hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Điều đó thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với đội ngũ này, qua đó góp phần động viên, khuyến khích những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ ở địa phương.

Theo thống kê, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có 1.167/1.380 người, được bố trí bảo đảm đúng quy định, trong đó bố trí kiêm nhiệm là 213 người. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên 3 nghìn người và gần 5 nghìn người trực tiếp tham gia vào công việc ở thôn, tổ dân phố. Tỉnh đã bố trí kiêm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố như Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; làm giảm đáng kể số lượng người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia vào công việc ở thôn, tổ dân phố. 

Mặc dù phụ cấp thấp nhưng cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở vẫn tận tâm cống hiến. Trong ảnh: Cán bộ thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) tuyên truyền các chủ trương chính sách đến người dân.

Thực hiện các quy định của pháp luật, từ năm 2005 đến nay HĐND tỉnh đã 6 lần quyết định chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Trong đó có Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 và Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 quy định chức danh, bố trí số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Tuy nhiên, mức phụ cấp đối với đội ngũ này còn thấp, chưa thực sự tương xứng với khối lượng công việc và yêu cầu của đời sống. Ông Vàng Seo Sùng, Trưởng thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) chia sẻ: nhiều năm làm cán bộ thôn, mức phụ cấp thấp, chỉ hỗ trợ được phần  nào tiền xăng xe đi lại và tiền điện thoại, nhưng với trách nhiệm của một người đảng viên, ông vẫn nỗ lực từng ngày cho các hoạt động của thôn. 

Để đảm bảo chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy mô, khối lượng công việc, đáp ứng mong muốn của cử tri, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Quy định về người hoạt động không chuyên trách; người tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; khoán kinh phí hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Đây là một tin vui đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Theo đó, nâng mức khoán phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo mức tăng tỷ lệ phần trăm Trung ương khoán cho địa phương; nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên cơ sở quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi thôn, tổ dân phố; Bí thư chi bộ và Trưởng thôn (Tổ trưởng tổ dân phố) ở thôn, tổ dân phố có yếu tố đặc thù được hưởng hệ số phụ cấp cao nhất là 1,52 lần mức lương cơ sở; ở thôn, tổ dân phố còn lại được hưởng hệ số phụ cấp cao nhất là 1,39 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng Tổ dân phố là người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng là 0,25 lần mức lương cơ sở.

Nghị quyết cũng quy định hàng tháng, ngoài mức phụ cấp, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (không bao gồm người đang hưởng lương, hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động), được hưởng thêm hệ số phụ cấp theo trình độ đào tạo. Đồng thời, quy định tăng mức hỗ trợ hàng tháng cho người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi ở cấp xã từ 200.000 đồng/người/tháng lên 450.000 đồng/người/tháng (tăng 125% so với hiện nay), bằng 0,25 lần mức lương cơ sở. Đặc biệt, sẽ tăng thêm 1.000.000 đồng/tổ chức/năm so với mức khoán kinh phí hoạt động hiện nay cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã.

Chị Ma Thị Luyến, cán bộ văn phòng Đảng ủy, xã Hà Lang, Chiêm Hóa bày tỏ: Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định số lượng, mức hỗ trợ cho từng chức danh theo hướng tăng hơn so với quy định hiện hành là rất đúng, trúng, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở. Nhất là nghị quyết còn quy định cụ thể phụ cấp của chức danh Văn phòng Đảng ủy cao hơn các chức danh người hoạt động công chức cấp xã còn lại. Điều đó cho thấy HĐND tỉnh đã thực sự quan tâm, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của cử tri. Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, yên tâm công tác, tận tâm cống hiến.

Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm (Hàm Yên) Sầm Văn Dinh khẳng định: Đây là nghị quyết phù hợp với nguyện vọng cử tri. Mặc dù trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã xem xét ban hành nghị quyết, theo đó bổ sung nguồn kinh phí để nâng mức phụ cấp và mức khoán cho cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở. Đặc biệt là có thêm các chức danh phó chủ tịch Hội người cao tuổi ở xã, nhân viên y tế ở tổ dân phố được hỗ trợ hàng tháng.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ kịp thời động viên, khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố tích cực, tâm huyết tham gia các hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở và địa phương.

Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục