Xem xét Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

- Chiều 21-12, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.

Các đại biểu dự Phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.

Quy hoạch vùng TDMNPB là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, tạo ra các động lực, tiềm năng, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng. Vùng TDMNPB là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Quy hoạch vùng TDMNPB đã nghiên cứu và đề xuất thành 6 nội dung trọng tâm. Trong đó, Quy hoạch vùng TDMNPB đề xuất phân vùng thành các tiểu vùng chi tiết để tạo ra các khu vực có liên kết chặt chẽ và có khả năng chia sẻ hạ tầng hiệu quả hơn; làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế, 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng; làm rõ phương hướng phát triển của mỗi hành lang, vành đai, các cực tăng trưởng.

Quy hoạch xác định vùng TDMNPB về chiến lược phát triển sinh thái và môi trường là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn, đây là kim chỉ nam định hướng cho các ngành kinh tế trong vùng.

Quy hoạch cũng đề ra chiến lược vùng để bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực; lĩnh vực nông nghiệp được định hướng phát triển theo hướng bền vững hơn, tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả.

Về cơ cấu kinh tế quy hoạch đề ra tăng cường tỷ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại chỗ, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện và tối ưu hóa thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.

Kết cấu hạ tầng của vùng cần được dần hoàn thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Ưu tiên phát triển, hoàn thiện các tuyến cao tốc xương sống của mỗi tiểu vùng; nâng cấp kết nối Đông - Tây...

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch vùng TDMNPB có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng.

Đặc biệt quy hoạch giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững...

Quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.

Tin, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục