Bài 3: Trau dồi tinh thần “dĩ công vi thượng” (Tiếp theo và hết)

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Đó chính là tinh thần “dĩ công vi thượng”. Giữ được tinh thần “dĩ công vi thượng” sẽ không để những thói hư, tật xấu của chủ nghĩa cá nhân chi phối bản thân mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết...”.

 "Dĩ công vi thượng” là tiêu chuẩn đảng viên

Làm cách mạng là “một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ” và “mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”, nên “dĩ công vi thượng” là yêu cầu có tính nguyên tắc mà đảng viên phải thực hiện.

“Dĩ công vi thượng” là phẩm cách cao quý của người đảng viên cộng sản chân chính, không chỉ thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”, mà còn giúp mỗi người khẳng định bản lĩnh chính trị, trí lực, thể lực và tâm lực trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn. “Dĩ công vi thượng” chính là sự mẫu mực nêu gương trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm của người cán bộ, đảng viên, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó không chỉ là đặt việc công lên trên hết, trước hết; không chỉ là ứng xử với quyết định của tổ chức, với công việc của cơ quan và với mọi người trong tổ chức một cách “chí công vô tư”, mà còn phải là “làm gương cả về ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa”. Mà muốn làm được, thì “phải: quyết tâm, tín tâm, đồng tâm” và nhất định phải “thực hành làm gương nêu ba chữ ấy”. 

Ảnh minh họa: vtv.vn 

Sức mạnh của tinh thần “dĩ công vi thượng” không chỉ dừng lại ở việc khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, cổ vũ và phát huy sự sáng tạo của quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, mà còn giúp người cán bộ, đảng viên nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong thực tiễn. Để phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, trừ bỏ kẻ địch luôn ẩn nấp trong mỗi người thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện, tự bồi dưỡng sức đề kháng, sự miễn dịch cho chính mình. Cùng với việc thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thì vacine để miễn dịch tốt nhất chống chủ nghĩa cá nhân chính là tinh thần “dĩ công vi thượng”. Vì thế, dù ở đâu hay trong bất kỳ thời điểm nào, chừng nào người cán bộ, đảng viên còn làm việc với tinh thần “dĩ công vi thượng”, còn đề cao tinh thần ấy, cốt cách ấy, thì chừng đó chủ nghĩa cá nhân nhất định được ngăn chặn và bị đẩy lùi.

Thực tế cho thấy, trong những năm nếm mật, nằm gai cùng quần chúng nhân dân đấu tranh để giành chính quyền (1930-1945); trong những cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) và trong hơn 35 năm đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng đều thấm nhuần sâu sắc những điều răn về đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), Sao cho được lòng dân (1945), Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (1945), Sửa đổi lối làm việc (1947), Đạo đức cách mạng (1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969)... ; đều tận tâm, tận lực phấn đấu, phụng sự sự nghiệp cách mạng với tinh thần “dĩ công vi thượng”.

Đó đều là những người cán bộ, đảng viên chân chính; là những người không chỉ thường xuyên, nghiêm túc trau dồi những phẩm chất đạo đức cao quý của người cộng sản mà còn ra sức phấn đấu, vượt lên mọi khó khăn, thách thức để lãnh đạo quần chúng nhân dân, chia ngọt, sẻ bùi cùng dân chúng, làm nên những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Tinh thần “dĩ công vi thượng” đó không chỉ được đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đề cao trong những năm chiến tranh, mà còn luôn được quán triệt, triển khai trong thời bình: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dù khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân (...) phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”, để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết của quần chúng, nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, làm cho dân giàu, nước mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Để “dĩ công vi thượng” trở thành sức mạnh nội sinh 

Những nhiệm kỳ gần đây, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh gắn liền với cuộc đấu tranh chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân-nguyên nhân sâu sa của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tuy nhiên, vì những hệ lụy từ yếu tố kinh tế thị trường, từ sự cám dỗ bởi vật chất, bởi lối sống thực dụng, xa hoa, hưởng lạc, nên vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Những cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và CDC một số địa phương hay trong vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao... là minh chứng cho thấy họ (cá nhân, tổ chức) đã không làm việc với tinh thần “dĩ công vi thượng”.

Họ đã lợi dụng, lạm dụng quyền lực được trao để trục lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích mà không màng đến lợi ích của người dân, gây bức xúc trong dư luận. Họ để chủ nghĩa cá nhân chi phối vì đã không học và làm theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như Chỉ thị số 03-CT/TW khóa XI, Chỉ thị số 05-CT/TW khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"... 

Vì thế, để “dĩ công vi thượng” trở thành sức mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và luôn được thực hành tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau: 

Một là, cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra giám sát cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, Điều lệ Ðảng, kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (bất kể người đó là ai, đang công tác hay đã nghỉ hưu) là việc triển khai cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, để người có quyền không dám, không thể, không cần và cũng không muốn mưu cầu lợi ích riêng. Đồng thời, cũng không để nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát chỉ là hình thức, thậm chí bị vô hiệu hóa, để ý chí cá nhân, “cái tôi” cá nhân áp đặt lên tập thể trong mọi quyết định.

Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ” gắn liền với phát huy vai trò của người đứng đầu, cán bộ quản lý chủ chốt ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị...

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”, mà còn “cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”. Đồng thời, “phải củng cố mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Phải đề cao tinh thần kỷ luật, tinh thần nguyên tắc, tinh thần Đảng của mỗi đảng viên”, “nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”, coi đây là nhu cầu tự thân của mỗi người. Đây không chỉ là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, mà còn khẳng định tính tự giác, sức mạnh nội sinh của mỗi người, bảo đảm để “dĩ công vi thượng” luôn được thực thi trong mọi lĩnh vực.

Ba là, trong từng chương trình, kế hoạch triển khai của mỗi tổ chức và cá nhân về đạo đức, “dĩ công vi thượng” đều phải được soi xét, nói và làm thống nhất trên cả 3 mối quan hệ (đối với mình, đối với người, đối với việc) và phải là một tiêu chuẩn bắt buộc để đánh giá, xếp loại thi đua của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải tự rèn mình để tránh xa, chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân (trong hoàn cảnh nào cũng không để sự kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự mãn trong mình trỗi dậy); đều phải tự soi những khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để sửa chữa, đi liền với việc trau dồi, bồi dưỡng những ưu điểm, những điều hay từ những người xung quanh để tiến bộ.

Đối với công việc, không chỉ gương mẫu đi đầu, nói trước, làm trước, thống nhất giữa nói và làm; dám làm, dám chịu trách nhiệm mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì việc công cũng được đặt lên trên, lên trước việc tư; lợi ích của Đảng của nhân dân cũng được đặt lên trên lợi ích của cá nhân mình. Bất kỳ công việc gì được Đảng và nhân dân giao phó cũng phải nỗ lực hoàn thành và hoàn thành với tinh thần trách nhiệm cao, với tinh thần vượt khó, không màng danh lợi. Còn đối với người, thì vừa phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc, vừa phải “có lòng bày vẽ cho người”, khoan dung, độ lượng để cùng nhau hợp tác, làm việc và phát triển vì lợi ích chung.

Việc luôn tự soi, tự xét để kiểm điểm bản thân và tự sửa đổi điều dở, phát triển điều hay cũng chính là cách để người cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và trau dồi tinh thần “dĩ công vi thượng”!

TS VĂN THỊ THANH MAI

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân điện tử

Tin cùng dòng sự kiện