Nhìn từ Chiến thắng 9-5-1945, cảnh giác những biểu hiện trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít mới

Cùng với việc chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, nhân dân Việt Nam phấn khởi chào mừng kỷ niệm các sự kiện quốc tế, trong đó có ngày lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9-5-1945/9-5-2023) - một sự kiện có tầm ảnh hưởng rất lớn đến Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam; là minh chứng khẳng định giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Mầm mống ra đời của chủ nghĩa phát xít

Nhìn lại lịch sử thế giới hiện đại thì thấy rõ, để ngăn chặn cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, phần lớn các quốc gia - dân tộc đều đã làm hết sức mình để phòng ngừa cuộc chiến tranh ấy. Việc xem xét lại nguồn gốc, bản chất, nguyên nhân, diễn tiến và kết cục của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II cho phép các nhà chiến lược dự báo được xu hướng vận động và các biện pháp phòng tránh trên những vấn đề căn cốt nhất.

Chúng ta đã biết, vào thập niên 30 của thế kỷ XX, chủ nghĩa phát xít là hình thức chuyên chính của chủ nghĩa tư bản với các đại diện Đức, Ý, Nhật... Họ đã cấu kết với nhau, thành lập liên minh và châm ngòi cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II. Đặc điểm chung của các nước tham gia vào chủ nghĩa phát xít là đều thực hiện mục đích xâm lược, đấu tranh để giành lại thuộc địa và các lợi ích đã mất. Từ đó, hướng đến tham vọng độc chiếm các lợi ích to lớn từ nước ngoài. Với bản chất hiếu chiến và tham vọng thống trị thế giới, chủ nghĩa phát xít đã ngông cuồng đến mức điên cuồng thực hiện các chính sách khủng bố, đàn áp dã man, tàn bạo đối với đối phương như những kẻ khát máu, gây ra sự mất mát, đổ máu và sự tàn phá thế giới nặng nề.

Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa phát xít là xâm lược và thủ tiêu dân chủ; hình thành các ý định chiến tranh xâm lược với diện rộng, quy mô lớn. Vì vậy, họ chủ trương xây dựng quân đội hùng mạnh theo chế độ quân phiệt; người cầm đầu quân đội thực hiện chính sách tàn khốc, miễn đạt được mục tiêu đã định. Vì lẽ đó, họ kích động tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan, khẳng định tư tưởng dân tộc, cấu kết với các thế lực phản động bên ngoài để tiến hành đàn áp, làm ngu muội các dân tộc đối lập lợi ích và cản trở bước tiến của họ.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự xuất hiện, tồn tại chủ nghĩa phát xít? Phải chăng đó là khủng hoảng kinh tế, xã hội ở phương Tây. Giai đoạn 1929-1933, khi ở phương Tây xuất hiện cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội lớn, nó lan rộng ra thế giới, dẫn đến xu hướng chính trị bạo lực cực đoan; tạo tiền đề cho chủ nghĩa phát xít tồn tại, phát triển. Mặt khác, sự chạy đua vũ trang, xây dựng quân đội mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện chủ nghĩa phát xít.

Các chính phủ phương Tây mở rộng quyền hành nhằm thâu tóm nền kinh tế và chế độ chính trị - xã hội theo biện pháp quân phiệt hóa. Các thế lực chính trị đối lập nhau nhằm thủ tiêu lẫn nhau, thâu tóm quyền lực và thể hiện rõ sự độc tài. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự ra đời, tồn tại và phục hồi chủ nghĩa phát xít. Đây là sự khác biệt giữa Chiến tranh Thế giới thứ I và Chiến tranh Thế giới thứ II. Kết cục, các nước Đức, Ý, Nhật là phe thua cuộc, khiến trật tự thế giới mới được thiết lập như hiện tại.

Chủ nghĩa phát xít gây ra thảm họa cho nhân loại tiến bộ

Sự phục hồi chủ nghĩa phát xít mới bùng lên ở một số nước châu Âu là rất đáng quan ngại. Mũi nhọn của sự công kích, chống phá ấy hướng vào nước Nga - quốc gia thừa kế trực tiếp thành quả của Liên Xô. Một số quốc gia vì lợi ích của mình, đã nghi ngờ về sự đóng góp quyết định của Liên Xô nhằm giải phóng thế giới khỏi “bệnh dịch hạch nâu”; đã quy trách nhiệm đối với Liên Xô và Đức Quốc xã là ngang nhau trong việc khơi mào, gây ra cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II và những thiệt hại của nó. Sự quy kết, cáo buộc Liên Xô và Đức Quốc xã cùng gây ra Chiến tranh Thế giới thứ II có thể là do thiếu hiểu biết hoặc cố tình bóp méo sự thật, nhưng nhìn chung là vô trách nhiệm. Thế nhưng, dù là ai, thế lực nào công khai phủ nhận Chiến thắng 9-5-1945 là hành vi quên tình, bạc nghĩa, cố tình chà đạp lên sự hy sinh xương máu của hàng chục triệu người trong Thế chiến thứ II. Điều đó không thể chấp nhận.

Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vui mừng với chiến thắng tại Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ngày 9-5-1945. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN 

Nhìn lại thời điểm Đức Quốc xã phát động cuộc chiến tranh chống Liên Xô, nước Đức chỉ là một quốc gia có quy mô trung bình, thua kém Liên Xô nhiều lần về lãnh thổ và dân số. Thế nhưng vào năm 1941, quân đội Đức Quốc xã đã là đội quân tốt nhất, thiện chiến nhất châu Âu; có kinh nghiệm tác chiến và đội ngũ chỉ huy chuyên nghiệp cao; họ đã kiểm soát hầu như toàn bộ châu Âu. Dựa vào thế mạnh ấy, giới lãnh đạo Đức Quốc xã muốn bành trướng, mở rộng lãnh thổ hơn nữa sang phía Đông. Trong xã hội Đức lúc ấy, tư tưởng phục thù trỗi dậy rất mạnh sau Chiến tranh Thế giới thứ I và tư tưởng phát động chiến tranh xâm lược đã được giới lãnh đạo Đức Quốc xã ủng hộ.

Về phía Liên Xô, để khắc phục hậu quả của cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm và sự tụt hậu về mọi mặt, họ đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp, kinh tế và hy vọng tránh được cuộc chiến tranh nhờ đẩy mạnh chính sách đối ngoại hòa bình. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ đã không thành công vì ngoại giao phương Tây đã làm mọi cách giúp Đức Quốc xã thực hiện nguyện vọng bành trướng sang phía Đông.

Ngày 22-6-1941, quân đội Đức Quốc xã đã xâm phạm lãnh thổ Liên Xô với kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” bằng cách “giết sạch, đốt phá sạch”. Nhân dân và Hồng quân Liên Xô đã chiến đấu kiên cường để giảm bớt những hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến tranh này gây ra. Từ năm 1941-1943, Liên Xô đã đơn độc chống lại cỗ máy chiến tranh khổng lồ. Cho đến khi xuất hiện triển vọng về thất bại không thể tránh khỏi của Đức Quốc xã thì phương Tây mới nhảy vào cuộc, mở mặt trận thứ hai và chiến thắng ngày 9-5-1945 là một tất yếu. Lịch sử thế giới hiện đại đã ghi nhận sự thật ấy. Những người có mưu đồ viết lại lịch sử thế giới không thể nào thay đổi hiện thực.

78 năm đã trôi qua kể từ khi chủ nghĩa phát xít đã bị lật đổ nhưng các biểu hiện của nó ngày càng trở nên rõ rệt ở một số quốc gia khi họ muốn viết lại lịch sử, bóp méo sự thật về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II; xúc phạm và hủy hoại tượng đài kỷ niệm những người lính Xô viết đã hy sinh trong các trận chiến giải phóng châu Âu. Qua đó, tôn vinh các cựu binh “SS” của Đức Quốc xã và các thế lực đã cộng tác với Đức Quốc xã. Điều “mê muội” đó hối thúc họ vượt qua “lằn ranh đỏ” và phủ nhận những giá trị của văn hóa hòa bình. Nó kích hoạt cho sự phục hồi chủ nghĩa phát xít mới hết sức nguy hiểm.

Việt Nam luôn mong muốn thế giới hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh

Phải chăng hệ tư tưởng của chủ nghĩa phát xít đã trỗi dậy, biến họ thành những kẻ hiếu chiến mới, gây mầm chiến tranh ở châu Âu. Dưới bất cứ hình thức nào, nhân loại đều không cho phép lặp lại các tình huống dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân - Chiến tranh Thế giới thứ III. Nhân loại đang cố gắng tránh những thảm kịch tương tự; không cho phép lặp lại những sai lầm của quá khứ.

Nhân dân Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ mong muốn cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina sớm kết thúc; những giá trị của Chiến thắng phát xít 9-5-1945 mãi mãi được ghi nhận, tôn vinh. Đó là lương tâm, trách nhiệm, văn hóa ứng xử và là cách tốt nhất để ngăn chặn mọi sai lầm có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Trên cơ sở phương châm “ngoại giao cây tre”, mềm dẻo, linh hoạt trong đối ngoại quốc phòng để “trong ấm, ngoài êm”, thực hiện tốt phương châm “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”; kiên quyết không để chiến tranh xảy ra dưới bất cứ hình thức nào. Việt Nam đã, đang và sẽ làm hết sức mình để góp phần gìn giữ nền hòa bình thế giới.

Theo QĐND

Tin cùng dòng sự kiện