Nhiều cơ sở giáo dục thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Hôm nay 13-9, toàn tỉnh có 292/456 trường cho học sinh đi học trở lại, chiếm 64%. Một số trường không bị thiệt hại của mưa lũ đã cho học sinh đến trường học tập từ 11-9. Việc cho học sinh nghỉ học và đi học trở lại sau mưa lũ đã được Sở Giáo dục và Đào tạo phân cấp cho các cơ sở giáo dục nhằm phòng, tránh thiên tai tùy theo tình hình thực tế và đảm bảo các điều kiện và an toàn cho giáo viên, học sinh.
Trong ngày đầu đón học sinh đến trường sau mưa lũ, các trường đã ổn định nền nếp, tiếp tục kế hoạch của năm học, đồng thời thực hiện hỗ trợ đối với học sinh bị ảnh hưởng do mưa lũ để các em yên tâm tới trường.
Em Nguyễn Tuấn Kiệt, lớp 10A2, trường THPT Na Hang cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua gia đình em bị nước lũ cuốn trôi nhiều đồ đạc, trong đó có sách vở nhưng may mắn đã được các cấp chính quyền, nhà trường và nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời. Em và 12 bạn học sinh của nhà trường bị ảnh hưởng bởi lũ lụt mất sách giáo khoa đã được nhà trường tặng sách giáo khoa mới. Chúng em đã đến trường học tập từ hôm 12-9...
Ngay sau mưa bão, Trường THPT Sơn Nam (Sơn Dương) đã thu dọn cây xanh bị gãy đổ và chuẩn bị điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 nên mưa lớn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, lượng mưa nhiều, lũ lớn cùng với việc Nhà máy thủy điện Tuyên Quang buộc phải xả lũ cả 8 cửa xả đáy đã khiến mực nước trên các sông, suối dâng cao. Nhiều trường học đã bị nước lũ nhấn chìm hoặc tràn vào gây thiệt hại nặng nề.
Cô giáo Tô Thị Tấm, Hiệu phó trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Chiêm Hóa cho biết, trong đợt lũ vừa qua, nhà ở công vụ cho giáo viên và nhà ở nội trú cho học sinh nhà trường bị chìm sâu dưới nước. Lũ rút đi, các đồ dùng đều bị hỏng, đường điện phải thay thế, nhà bếp ăn cho học sinh bị sụt lún, phòng ở của nhân viên bị sạt lở…khó khăn vô cùng.
Nhưng với tinh thần khắc phục khó khăn, mặc dù nhà ở của các thầy cô cũng bị nước lũ tràn vào nhưng ưu tiên việc làm ngay, các thầy gác lại việc dọn dẹp nhà của gia đình để dọn dẹp, vệ sinh nhà trường trước để cố gắng sớm đón học sinh trở lại trường. Trường cũng báo cáo với cấp trên nhằm hỗ trợ những thiệt hại mà trường không thể khắc phục được, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm đã giúp đỡ nhà trường và học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.
7 cơ sở giáo dục Mầm non tư thục Ban Mai Xanh (TP Tuyên Quang) đều bị thiệt hại, nước lũ tràn vào đã làm hư hỏng nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ. Cô giáo Phùng Thị Hoa cho biết, chưa bao giờ lũ lại lên cao và nhanh đến thế, các cơ sở bị nước lũ tràn vào ồ ạt gây vỡ cửa kính, hỏng nhiều trang thiết bị, đồ dùng… Ước tính thiệt hại tại 7 cơ sở là trên 1,1 tỷ đồng.
Cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang) vệ sinh trường lớp học sau mưa lũ.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 33 trường học bị ngập nước, sạt lở đất. Trong đó có 15 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 6 trường THCS và 4 trường THPT. Cùng với đó, có hơn 2.000 học sinh có nhà bị ngập, sạt lở đất, đồ dùng, sách vở bị lũ cuốn trôi; nhiều cây xanh trong khuôn viên các trường bị gãy đổ. Đến ngày 13-9-2024, toàn tỉnh có 292/456 trường cho học sinh đi học trở lại, chiếm 64%.
Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra tại các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ các nhà trường vệ sinh, khử trùng các trường lớp học bị ngập lụt, đặc biệt là các khu vực nhà ở nội trú, bán trú của học sinh. Đồng thời, có phương án xây dựng kè phòng chống sạt lở đất cho các nhà trường ở gần sông, suối, taluy dương cao…để phòng, chống lũ.
Cố gắng để đón học sinh đi học trở lại sớm nhất sau lũ
Từ ngày 12-9, nước lũ tại thành phố Tuyên Quang đã rút đi để lại vô số rác thải, bùn đất và các vật dụng bị lũ cuốn trôi. Tại một số trường học ở thành phố Tuyên Quang, nhiều phòng học, trang thiết bị, đồ dùng dạy học bị chìm trong nước gây hỏng. Ngay sau khi lũ bắt đầu rút, các trường học đã chủ động huy động lực lượng dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên trường lớp để đón học sinh đến trường.
Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) bị nước lũ tràn vào gây ngập các phòng học ở tầng 1 khiến nhiều bàn ghế bằng gỗ ép tại phòng bộ môn, nhà hiệu bộ của giáo viên bị hỏng. Sau khi nước rút đi để lại nhiều bùn đất và rác. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau khi nước rút nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhiều phụ huynh cũng chung tay cùng nhà trường vệ sinh khuôn viên, phòng học. Sau khi vệ sinh xong, ngày 13-9 trường đã phối hợp với cơ sở y tế tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, trường lớp học. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ đón học sinh quay trở lại học tập từ ngày 14-9-2024.
Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) phối hợp với cơ sở y tế phun thuốc khử khuẩn lớp học sau mưa lũ.
Tại trường THPT Sơn Nam (Sơn Dương) trong đợt mưa lũ vừa qua có gần 20 cây to trong khuôn viên trường bị gãy, đổ. Đến nay, nhà trường đã huy động lực lượng để cắt cây dọn dẹp, vệ sinh trường lớp và đảm bảo các điều kiện đón học sinh trở lại trường.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cập nhật kịp thời các bản tin và các chỉ đạo về tình hình, diễn biến của cơn bão số 3 đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh để có phương án chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 3, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người tại các nhà trường.
Đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học tăng cường phòng, chống và kịp thời khắc phục hậu quả do mưa, lũ, sạt lở đất gây ra, phân cấp cho người đứng đầu các cơ sở giáo dục căn cứ diễn biến thời tiết và tình hình mưa lũ trên địa bàn quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng, chống lũ lụt.
Trường THPT Minh Quang (Lâm Bình) tổ chức dạy học ngay sau khi mưa lũ kết thúc.
Các cơ sở giáo dục cũng đang thống kê tình hình thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đồ dùng học tập của nhà trường và học sinh do bão, lũ gây ra; rà soát, lập danh sách các học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của lũ lụt (sạt lở đất vào nhà, lũ cuốn trôi đồ đạc, sách vở, đồ dùng học tập, hoặc các hoàn cảnh đặc biệt khác, ...) để có phương án hỗ trợ sách giáo khoa và các điều kiện cần thiết khác để học sinh yên tâm đến trường.
Ngành Giáo dục tỉnh đang huy động giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh phối hợp với ngành Y tế khử trùng, vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão; khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ. Đồng thời tăng cường phối hợp với địa phương trong việc cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình giáo viên, học sinh chịu thiệt hại nặng để kịp thời khắc phục khó khăn, tổ chức giảng dạy, học tập đảm bảo an toàn, chất lượng.
Gửi phản hồi
In bài viết