Sự xuyên tạc trơ trẽn
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, tại Hội nghị QUTƯ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ có bài phát biểu quan trọng, mang tầm chiến lược, định hướng căn bản để QUTƯ, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra trong những năm tới, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ đã nhấn mạnh về công tác cán bộ và chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Đây là sự đúc kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, thể hiện nét đặc sắc trong tư duy lý luận của người đứng đầu Đảng ta và QUTƯ về công tác cán bộ Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.
Thế nhưng, thời gian qua, trên một số diễn đàn, trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đã cố ý tung tin sai trái, xuyên tạc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ. Chúng rêu rao rằng, “xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội "7 dám" chỉ là khẩu hiệu suông”; “làm gì có cán bộ nào thực hiện được "7 dám”, “cán bộ "7 dám" chỉ là lý luận hão huyền”. Chúng còn lợi dụng một số hạn chế trong công tác cán bộ và một vài cán bộ trong Quân đội vi phạm pháp luật đã bị xử lý hình sự rồi tung hỏa mù thật giả lẫn lộn, đánh đồng hiện tượng với bản chất, cố tình lèo lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực nhằm gây mất lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ nói riêng và đối với Đảng, Nhà nước ta nói chung.
Ảnh minh họa: TTXVN
Sự đúc kết sâu sắc về xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cách đây 62 năm, trong “Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên” ngày 13-2-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Người đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.
Suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Do vậy, công tác cán bộ luôn được Đảng xác định là khâu “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhất quán xác định bảo vệ cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Quán triệt tinh thần đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, trong đó yêu cầu “cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ “Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” đã quy định: “Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ”.
Để việc bảo vệ cán bộ bằng thể chế ngày càng thiết thực và hiệu quả, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Thể chế bảo vệ cán bộ không trái với các khuôn khổ, nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị, đặc biệt là Hiến pháp và Điều lệ Đảng; thể chế bảo vệ cán bộ phải xác định được các chủ thể tham gia với những quy định chi tiết về quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ; thể chế bảo vệ cán bộ cần xác lập được các tiêu chí đánh giá cụ thể, phù hợp; thể chế bảo vệ cán bộ cần xác lập được cơ chế kiểm soát cán bộ và phương pháp thực hiện đúng đắn.
Nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ nên công tác cán bộ ở nước ta ngày càng đạt nhiều kết quả quan trọng. Quy trình thực hiện công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch. Điều đó minh chứng việc xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ là một chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược; tình cảm, niềm tin và yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó cũng là kim chỉ nam, phương châm hành động trong xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tinh thần cán bộ Quân đội “7 dám” được khẳng định trong gian khó
Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu ở nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị chưa tạo sự lan tỏa sâu rộng... Những hạn chế này có nguyên nhân từ một số khâu trong công tác cán bộ chậm được đổi mới; chính sách cán bộ chưa thật sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế hiệu quả để bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Thời gian qua, một số cán bộ Quân đội mắc sai phạm, bị xử lý hình sự và kỷ luật chủ yếu do không chịu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam. Một vài cá nhân đó sai phạm xuất phát từ lý do chủ quan, chứ tuyệt nhiên không phải do sai lầm từ chủ trương, đường lối trong công tác cán bộ của Đảng, lại càng không phải là biểu hiện mất dân chủ, thiếu minh bạch, “áo gấm đi đêm” vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; đồng thời cũng không phải là hệ quả của chủ trương “xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội "7 dám" vì đó là khẩu hiệu suông” như các thế lực thù địch rêu rao.
Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cho thấy đại đa số cán bộ, đảng viên trong Quân đội vẫn tuyệt đối trung thành và một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Điều đó được thể hiện sinh động trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” đã có hàng nghìn cán bộ, đảng viên, các y sĩ, bác sĩ, chiến sĩ Quân đội tự nguyện gác lại việc riêng, tình nguyện xung phong đến tuyến đầu chống dịch, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, thậm chí hy sinh tính mạng để hết lòng hết sức cứu chữa bệnh nhân, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự xuất hiện đúng lúc, kịp thời của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp trong Quân đội ở những “điểm nóng” đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... và nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 là biểu hiện rõ nét của tinh thần cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong đương đầu, dám hành động vì lợi ích chung ngay cả đối với những việc khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và trong những tình huống nóng bỏng nhất. Đó là bằng chứng về “lòng son dạ sắt” của những cán bộ hội tụ phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ thời bình.
Phương châm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội “7 dám” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ là sự tiếp nối và cụ thể hóa những đặc trưng, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Đây là sự phát triển tư duy lý luận với nội hàm mới, yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao đối với phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Khi cán bộ các cấp trong Quân đội hội tụ đầy đủ tâm-tầm-tài, uy tín và luôn thấm nhuần, thể hiện tinh thần “7 dám”, Quân đội ta sẽ có nền tảng vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu cao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.
Gửi phản hồi
In bài viết